Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Lợi trong ngày đầu tiên của năm học mới 2018-2019. Ảnh: Thanh Hương

Trong năm học mới này, việc đổi mới chương trình giáo dục để hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh ở các cấp học từ mầm non đến THCS rất được TP. Huế quan tâm. Cụ thể, ở ngành học mầm non, tập trung triển khai rộng xây dựng môi trường giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, đây là chuyên đề mới của toàn ngành, được một số trường mầm non trên địa bàn TP, như Mầm Non 1, Mầm Non 2, Phú Hội, Tây Lộc… thực hiện trong năm học trước và bước đầu tạo nên những chuyển biến tích cực. Theo đó, mô hình này quan tâm đến nhu cầu, kỹ năng, thế mạnh của trẻ để giúp các em trở nên chủ động, sáng tạo, tích cực hơn trong các hoạt động vui chơi và học tập.

Đối với bậc tiểu học, tiếp tục thực hiện theo chủ trương giảm tải của ngành, không tổ chức các kỳ thi, đặc biệt là các kỳ thi trên mạng. Việc tìm kiếm phát hiện học sinh mũi nhọn, học sinh năng khiếu vẫn sẽ được quan tâm thông qua các cuộc giao lưu, hoạt động của các câu lạc bộ, nhưng không lấy đó làm thành tích xếp hạng đánh giá các trường. Ngành cũng chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho thực hiện thay sách theo chương trình mới, năm học 2019 – 2020.

Đề án giáo dục tiếng Anh giao tiếp sẽ được thành phố triển khai trong năm học 2018-2019

Với THCS, từng bước giao quyền chủ động cho các trường trong việc tổ chức dạy học bảo đảm đủ nội dung chương trình quy định, và định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Các trường có thể linh hoạt trong thực hiện kế hoạch dạy và học phù hợp với trình độ, thế mạnh của học sinh trường mình, lớp mình, chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm thông qua hội thi học sinh giỏi cấp thành phố tiếp tục được duy trì.

Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT TP. Huế tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trật tự và văn minh đô thị” cho các em. Phó Trưởng phòng GD& ĐT TP. Huế, ông Lâm Thủy cho biết, đây là đề án do phòng xây dựng và triển khai trên địa bàn từ năm học 2015 - 2016. Qua hai năm triển khai cho thấy có hiệu quả tích cực, học sinh các trường ngoan ngoãn, lễ phép hơn trước, tình trạng bạo lực học đường cũng giảm rõ rệt. Bên cạnh các chương trình khung của ngành giáo dục, trong năm học mới này, cấp học mầm non của TP cũng triển khai thí điểm đề án tự chủ tài chính một số trường mầm non trên địa bàn từ năm 2018 - 2023, bước đầu sẽ thực hiện tại Trường Mầm non 1 và Mầm non 2.

Theo Trưởng phòng GD& ĐT TP. Huế, ông Phan Nam, đề án này ra đời căn cứ vào cơ sở pháp lý là Nghị định 16/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, huy động nguồn lực của xã hội bảo đảm một phần chi thường xuyên, nhằm tạo môi trường tốt hơn và nâng cao chất lượng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu, giảm chi phí từ ngân sách nhà nước ở một số đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện. Hiện, đề án đã xây dựng hoàn chỉnh trước khi UBND TP. Huế trình Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định để triển khai trong năm học mới này.

Điểm nổi bật nhất trong năm học 2018 – 2019 của TP. Huế là triển khai sớm đề án “Tăng cường tiếng Anh giáo tiếp cho học sinh THCS giai đoạn 2018 - 2022”, với mục tiêu cụ thể là các em có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh trong môi trường hàng ngày với du khách. Dự án sẽ triển khai đối với lớp đầu cấp của 23 trường THCS trong thành phố trên tinh thần tự nguyện và những năm sau sẽ triển khai các khối lớp lớn hơn. Khung chương trình tiếng Anh giao tiếp được xây dựng theo chuẩn quốc tế Cambridge, chú trọng đến kỹ năng nghe nói, thông qua các tiết học giao tiếp với giáo viên bản ngữ. Để thực hiện đề án này, TP. Huế sẽ đầu tư xây dựng các phòng học tiếng Anh theo chuẩn, phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ có uy tín để bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, đồng thời có hỗ trợ một phần kinh phí cho các em tham gia chương trình trong những năm đầu triển khai.

Quang Phong