Bốn giờ sáng, trên một con đường kiệt dài chừng 200m. Một người đứng tuổi ngồi uống nước trà. Tiếng chó kêu thảm thiết từ xa rồi gần. Hai thanh niên lôi con chó đi xềch xệch. Chừng hai phút sau, hai thanh niên khác dắt xe đi bộ, đến đường quang rồi nổ máy. Bốn người và một con chó.

Cho tôi được xin phép bày tỏ sự phẫn nộ: bọn trộm chó.

Sự bất nhân như vậy làm sao chứa đựng được lòng tốt ?

Chuyện trộm chó xảy ra nhiều nơi trên cả nước. Đã không ít trường hợp bị đánh đến chết. Nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra.

Chuyện kể rằng, cả luật lệ và sự văn minh, người ta chia động vật ra thành ba loại: Động vật hoang dã, thú cưng và động vật nuôi ra hàng loạt để cung cấp thực phẩm. Chúng ta chỉ được ăn loại thứ ba. Đã có những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã gửi những thông điệp đến Việt Nam yêu cầu Chính phủ có biện pháp tăng cường bảo vệ động vật hoang dã.

Tôi đã xem một bộ phim của Dicosvery nói về một nhóm người của một tổ chức cứu hộ động vật hoang dã ở châu Phi. Họ đang cứu hộ con tê giác một sừng bị bắn trọng thương. Trong những trường hợp như vậy, chi phí cho việc cứu hộ và trả chúng lại nơi hoang dã tiêu tốn đến hàng chục ngàn đô la. Họ bày tỏ sự vui mừng khi con tê giác ấy được chữa lành và được trả về nơi chúng đã sinh ra. Đó là một câu chuyện đánh động lương tâm của chúng ta trước động vật hoang dã, trước thiên nhiên kỳ thú !

Còn chúng ta thì sao? Tôi không dám nói là phổ biến nhưng không ít trường hợp trong chúng ta đối xử với động vật hoang dã đi ngược với chiều hướng văn minh. Đi tìm những con quí, con hiếm để ăn thịt. Càng hiếm càng đắt tiền. Và không ít người lắm tiền tìm đến thú vui này. Hèn gì nhiều loại động vật hoang dã chẳng tuyệt chủng. Loài chim trời có loại không quí hiếm nhưng chúng là động vật hoang dã. Trên mạng xã hội đang rao bán một loại lưới cước mảnh đến độ khi ánh nắng mặt trời xuyên qua, bằng mắt thường không thể nào thấy được. Vào mùa chim sinh sản chúng thường tập trung ở một khu vực nào đó để sinh nở. Những tay lưới này giăng lên. Vậy là chết cả mẹ lẫn con !

Thói thường là vậy. Đã có nhu cầu thì có nguồn cung cấp. Cũng như chuyện gỗ vậy. Càng ít thì càng quý. Càng quý thì giá cao. Càng giá cao càng thôi thúc người ta khai thác. Rừng mất, lũ lụt về. Không ít những câu chuyện tang thương vì “thiên nhiên nổi giận”.

Tôi tin rằng những người dân bình thường, không bao giờ dám bỏ ra một số tiền lớn để tiêu xài những thứ xa xỉ như vậy. Chỉ có thể là những người nhiều tiền, hoặc đồng tiền không phải từ mồ hôi nước mắt mà có, họ muốn tiêu xài một cách đặc biệt, thể hiện “đẳng cấp” của mình. Khi nào xã hội còn nhìn nhận cái cách đối xử với thiên nhiên như vậy là đẳng cấp thì thiên nhiên còn bị xâm phạm.

Trở lại vấn đề trộm chó. Tôi tin rằng không có hoặc rất hiếm những người nuôi chó với mục đích thương mại! Tưởng chuyện bán chó chỉ có trong truyện của Nam Cao, một con vàng thân thiết của gia đình, vì nghèo quá mà dứt lòng bán nó, thì giờ đây nó vẫn tồn tại. Thế chó từ đầu  mà được bán ở các quán? Có thể phần lớn là rơi vào những trường hợp bắt trộm như vừa nêu.

Một bài viết cho biết: Trên thế giới rất ít quốc gia ăn thịt chó. Chuyện ăn thịt chó phổ biến rơi vào châu Á. Tại châu Á có ba nước ăn thịt chó phổ biến: Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

Cũng xin nhắc lại quan niệm của thế giới văn minh chia động vật ra thành ba loại: Động vật hoang dã; thú cưng và động vật được nuôi hàng loạt để cung cấp thực phẩm cho con người. Chúng ta chỉ được ăn loại thứ ba. Nếu đi lùng tìm ăn thịt hai loại đầu tiên, là đi ngược với văn minh thế giới. Có ai muốn điều này chăng ?

NGUYỄN LÊ