Trong khi phần lớn sự chú ý của thế giới đang tập trung vào những tổn thất kinh tế do căng thẳng thương mại gây ra, một yếu tố khác của thương mại toàn cầu là FDI phần lớn lại không được chú ý. Với dòng vốn FDI đạt trị giá lên đến 1,43 nghìn tỷ USD trong năm 2017, những dòng vốn này được quản lý như thế nào là vấn đề được đặt ra trong bài viết được đăng trên tờ The ASEAN Post ngày 13/8.
FDI có thể hỗ trợ các nền kinh tế đạt mục tiêu phát triển. Ảnh: Getty Images
Ý nghĩa
Đầu tư quốc tế đã và đang trở thành một nguồn tài chính quan trọng từ bên ngoài đối với nhiều quốc gia; đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, nếu FDI đóng góp có ý nghĩa vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thì dòng vốn hiện có phải được mở rộng nhiều hơn nữa. Để điều này xảy ra, các chính sách đầu tư quốc tế cần sự phối hợp tốt hơn, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là diễn đàn tốt nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này.
Khuôn khổ FDI hiện tại bao gồm hơn 3.000 thỏa thuận, không đủ để thu hút mức đầu tư cần thiết, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc (LHQ) đến năm 2030. Chẳng hạn như, một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khuyến khích các công ty nội địa “tái hỗ trợ” các hoạt động của mình và đầu tư nhiều hơn trong nước. Nhiều quốc gia cũng thắt chặt kiểm soát FDI hướng nội; áp dụng các biện pháp sàng lọc chặt chẽ hơn cho hoạt động sáp nhập và mua lại...
Hơn nữa, sự gia tăng về số lượng của các vụ tranh chấp do nhà đầu tư nước ngoài đệ trình cũng trở thành thách thức đối với nỗ lực cải thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp, trong khi một số quốc gia quyết định rút hoàn toàn khỏi các diễn đàn trọng tài quốc tế.
Nếu những xu hướng này không được đảo ngược, kết quả có thể là sự sụt giảm của dòng vốn FDI, và có lẽ là cả sự xuất hiện của “cuộc chiến đầu tư”. Những dòng đầu tư gia tăng rõ ràng là yếu tố cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát triển toàn cầu.
Tại sao là G20?
Không giống như hệ thống thương mại toàn cầu, cơ chế đầu tư quốc tế hiện không có một tổ chức đa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập quy tắc, giám sát phát triển chính sách, hay phân xử các tranh chấp. G20 là nơi thích hợp nhất để bắt đầu. Ít nhất, G20 có thể cung cấp mức độ hướng dẫn thích hợp, giúp thúc đẩy chính sách FDI.
Các nền kinh tế thành viên của G20 hiện đang chiếm 2/3 dòng vốn FDI hướng ngoại toàn cầu. Hơn nữa, họ tham gia vào hầu hết các hiệp định đầu tư; đây cũng là một tổ chức bao gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Ngoài ra, G20 không chỉ là một tổ chức quan trọng cho đối thoại và phối hợp chính sách, mà còn rất phù hợp để dẫn đầu các nỗ lực giải quyết những vấn đề đầu tư quốc tế quan trọng.
Chắc chắn rằng, đây không phải là một ý tưởng mới, bởi trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Trung Quốc năm 2016, G20 đã áp dụng “Các nguyên tắc hướng dẫn cho việc hoạch định chính sách đầu tư toàn cầu”, được thiết lập để thúc đẩy môi trường cởi mở, minh bạch và chính sách thuận lợi cho đầu tư; đồng thời thúc đẩy sự gắn kết giữa các quy tắc quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, mọi việc mới chỉ bắt đầu. Trên thực tế, vẫn cần thực hiện thêm ít nhất 3 bước để những nỗ lực cải thiện cơ chế đầu tư quốc tế đạt thành công.
Thứ nhất, G20 nên kêu gọi các nhóm quốc tế khác tiến hành phân tích chính sách đầu tư, nhằm đảm bảo sự liên kết với các nguyên tắc của G20. Khi những khoảng trống được xác định, các chiến lược để lấp đầy chúng cần được phát triển.
Hơn nữa, để thúc đẩy sự tuân thủ và chia sẻ kiến thức, cũng như lập kế hoạch cụ thể cho các cuộc đàm phán về những thỏa thuận trong tương lai, G20 cần tạo điều kiện cho một mạng lưới đồng cấp liên kết các Chính phủ và các nhà quản lý.
Thứ hai, G20 nên khuyến khích Ủy ban LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) và Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID) nhằm tăng cường các nỗ lực để cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp của chính họ. Giải quyết tranh chấp là chìa khóa cho cơ chế đầu tư thành công. Để điều này trở nên chắc chắn, G20 nên theo dõi tiến độ bằng cách yêu cầu những cập nhật thường xuyên từ UNCITRAL và ICSID.
Cuối cùng, G20 cần hỗ trợ các cuộc thảo luận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tạo thuận lợi cho đầu tư. Chính xác hơn, G20 nên nhấn mạnh các thỏa thuận trong tương lai cần phù hợp với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN), khi ưu tiên FDI bền vững hơn so với các hình thức đầu tư nước ngoài khác.
G20 có thể đóng một vai trò hàng đầu trong việc khắc phục những thiếu sót tác động đến cơ chế đầu tư quốc tế. Để thực hiện điều này, các Chủ tịch luân phiên của G20 hiện tại và trong tương lai phải xây dựng một ngôi nhà cho các cuộc thảo luận về hoạch định chính sách theo định hướng hành động. Đầu tư quốc tế có thể tránh được những kiểu căng thẳng hiện đang bao trùm thương mại toàn cầu, nhưng chỉ khi các quy tắc được lưu ý.
LÊ THẢO
(Tổng hợp và lược dịch từ The ASEAN Post & Ejinsight)