Quá trình sáng tạo của nghệ sĩ sẽ thay đổi dưới tác động của công nghệ số (Ảnh minh họa)

Thay đổi thói quen sáng tạo

ThS. Nguyễn Phương Hòa, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, là đất nước có bề dày truyền thống văn hóa với những giá trị di sản văn hóa đặc sắc, Việt Nam có thế mạnh để xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa độc đáo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu về sự riêng biệt, tìm đến cái khác biệt trở thành một xu hướng. Việt Nam có thể tận dụng yếu tố bản sắc để tạo dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu quốc gia.

Cơ hội lớn nhất là sự gia tăng mạnh mẽ khả năng tiếp cận của công chúng đối với VHNT thế giới. Công nghệ số tạo ra những thay đổi mang tính tương tác đa chiều trong từng khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thụ hưởng. Các nhà sáng tạo, các nghệ sĩ độc lập phát triển ý tưởng mới về nội dung, hình thành các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số và có sự điều chỉnh linh hoạt trong mối tương tác với công chúng, nghệ sĩ sáng tạo có thể nhận được phản hồi ngay lập tức từ công chúng.

Trước xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, lĩnh vực VHNT của Việt Nam cũng gặp nhiều bất lợi. Công tác số hóa trong lĩnh vực VHNT chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động của các thiết chế văn hóa công cộng, như bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim... còn chậm và lạc hậu. Do đó, chưa tận dụng được cơ hội mở rộng sự tiếp cận của người dân. Tình trạng vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trong môi trường số diễn ra phổ biến, chưa hình thành thói quen sử dụng sản phẩm văn hóa có bản quyền, làm ảnh hưởng đến động lực sáng tạo của nghệ sĩ và quyết định đầu tư của nhà sản xuất.

Theo ThS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tốc độ nhanh chóng của CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống văn hóa xã hội. Ông nhấn mạnh: “Không gian số được dự báo làm thay đổi cách thức mà cá nhân tham gia vào đời sống xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại, các kết nối giữa cá nhân với cá nhân khác trong cộng đồng sẽ ngày càng suy giảm, thay vào đó là giao tiếp trên không gian số. Điều này có thể làm suy giảm liên kết giữa con người với nhau. Không gian số cũng sẽ làm thay đổi thị hiếu, thói quen sáng tạo, hưởng thụ VHNT của người dân”.

Sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật trong giờ sáng tác. (Ảnh minh họa)

Giữ bản sắc

ThS. Nguyễn Tuấn Anh nhận định, văn hóa, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa được xem là ngành ít bị ảnh hưởng hơn so với những ngành sản xuất vật chất trước làn sóng công nghiệp mới này, do vậy sẽ trở thành lĩnh vực quan trọng trong việc giữ lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, cần có những nỗ lực trong việc xóa bỏ khoảng cách không gian số, giảm bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tài nguyên số giữa các cá nhân, vùng miền, đồng thời thiết lập môi trường xã hội nhằm khuyến khích tối đa sự sáng tạo cá nhân.

Ngành VHNT cần khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược văn hóa số hoặc lồng ghép nội dung này thành nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn mới; trong đó, ưu tiên đầu tư kinh phí để thực hiện công tác số hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại...

ThS. Nguyễn Phương Hòa đề xuất, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý hiệu quả thương mại điện tử, cần phải bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thực và môi trường số. Đặc biệt, cần có các chế tài mạnh có tính răn đe để bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số.

Ở Thừa Thiên Huế, tác động của CMCN 4.0 sẽ giúp hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là công tác tu bổ, trùng tu di tích sẽ được triển khai thuận lợi trên cơ sở lưu trữ ngân hàng dữ liệu bằng công nghệ số. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi phải xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa bắt kịp với xu hướng mới, các lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, triển lãm... phải tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tránh tụt hậu về công nghệ.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, với thế mạnh về văn hóa, trong thời kỳ CMCN 4.0, Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển nền văn hóa bắt kịp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện đại nhưng không để mất đi bản sắc văn hóa Huế truyền thống. Chẳng hạn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ số để lưu trữ ngân hàng dữ liệu về giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ hiện đại, hình thành các sản phẩm văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch; phát triển thị trường cho các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, các chương trình biểu diễn, các loại hình nghệ thuật đương đại...

Bài, ảnh: MINH HIỀN