Chấm dứt cuộc trao đổi với cô giáo, chị đánh rơi chiếc điện thoại khỏi tay, người như rơi tự do, tứ chi bủn rủn hồi lâu. Chị không thể ngờ thằng con hiền lành như thế mà lại có thể làm cái việc động trời là "lòn" học phí. Có nghĩa là học phí hàng tháng nhận từ chị, nó không nộp cho cô mà mang đi tiêu hoang. Dồn một cục tính ra đến mấy triệu, phải nộp lại cho cô là hẳn rồi, nhưng điều làm chị nhức đầu hơn là con chị đã tiêu số tiền lớn như vậy so với tuổi của nó vào việc gì? Vào games? Hay khủng khiếp hơn là vào tỷ số, vào hút hít?... Chị lắc đầu, không dám nghĩ thêm...

Cũng may là cuối cùng, tình hình không ở mức tồi tệ lắm. Thằng nhóc thú nhận có chơi games và chiêu đãi bạn bè ăn uống linh tinh để... thể hiện. Nó cũng không ngờ "âm mưu" của nó bị phát giác nên tỏ ra hết sức hoảng sợ ăn năn. Quan sát thái độ của con, chị thấy hơi nguôi giận và tạm an lòng. Dù sao thì cũng biết cơ sự để mà còn theo dõi, cảnh giác đối với thằng nhóc, không để nó sa đà rồi sa ngã, dẫn đến mất con.

Khi cơn sốc đã qua đi, ngồi ngẫm lại chị thấy vừa trách mình vừa trách cô giáo. Trách mình vì quá tin con mà không kết nối với giáo viên để kiểm tra xem con có nộp học phí không. Song, càng trách cô giáo nhiều hơn khi mà cô không bao giờ có biên lai hoặc chí ít là ký nhận học phí mà chỉ dựa vào lòng tin giữa cô với trò. Chính vì vậy mà phụ huynh không có cơ sở để kiểm soát con em, còn học sinh thì dễ nảy ý tưởng "lòn lách" học phí để tiêu pha bậy bạ.

Lại nữa, lẽ ra khi thấy thằng con nhà chị một, hai tháng không nộp học phí thì cô phải hỏi han để nhắc nhở, trao đổi với phụ huynh để quản lý, ngăn chặn từ sớm. Đằng này đến nhiều tháng liền mới nhấc máy để liên hệ, lúc mà hậu quả đã tồi tệ hơn rất nhiều. Không biết vì "tế nhị" hay vì một điều gì khác nhưng có lẽ, đây cũng là điều mà các thầy cô giáo ở các lớp học thêm và phụ huynh cần có sự hợp tác cùng nhau để tránh những điều đáng tiếc như đã xảy ra ở trường hợp trên.

Hàn Yên