Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan là người đứng đầu LHQ đầu tiên đến từ vùng cận Sahara châu Phi. Ảnh: UN
Giống như toàn bộ thế hệ các quan chức, nhà ngoại giao và các Ngoại trưởng, cựu Tổng thư ký Annan mãi mãi mang vết sẹo về sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc tiên đoán và ngăn chặn nạn diệt chủng Rwanda năm 1994, với khoảng 800.000 người thiệt mạng, phần lớn là người Tutsi, theo số liệu của Liên Hiệp quốc. Khi đó, ông Kofi Annan 56 tuổi và chỉ mới đảm nhận nhiệm kỳ tổng thư ký phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình được 1 năm.
Dưới sự chỉ huy quân sự của tướng Romeo Daillaire, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình MINUAR của LHQ đã được triển khai tại Rwanda khi cuộc diệt chủng bắt đầu. Nhưng nó không thể ngăn chặn vụ thảm sát, do thiếu quân tiếp viện, trong khi việc triển khai này cần một cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an. Khi cuộc thảm sát lan rộng, số lượng người giữ hòa bình MINUAR thậm chí còn giảm.
Nhiều lần sau vụ diệt chủng, cựu Tổng thư ký Kofi Annan thừa nhận rằng ông đã không hành động đủ để ngăn chặn vụ việc.
Hối tiếc và thành công
"Cộng đồng quốc tế đã thất bại tại Rwanda. Điều này khiến chúng tôi luôn có cảm giác hối hận cay đắng," ông Annan từng nói trong lễ tưởng niệm 10 năm vụ diệt chủng.
Vào cuối năm 2006, một tháng trước khi từ chức Tổng thư ký LHQ sau 10 năm, cựu TTK Annan hứa sẽ không bao giờ quên châu Phi.
Ông nói với báo chí rằng ông "không mệt mỏi" và muốn "dành một chút thời gian" để làm việc ở châu Phi, và "mang lại các tư vấn nếu lời khuyên của tôi là cần thiết".
Chỉ hơn 1 năm sau, mong muốn đó trở thành sự thật khi Liên minh châu Phi kêu gọi ông, với các kỹ năng ngoại giao của mình, làm trung gian trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Kenya và giúp dập tắt tình trạng bạo lực do bầu cử.
Ông Kofi Annan đã đến Nairobi vào cuối tháng 1/2008. Quốc gia này bị tàn phá bởi bạo lực sắc tộc, đã di dời tới 600.000 người, sau khi ứng viên đối lập Raila Odinga phản đối việc Tổng thống Mwai Kibaki tái cử.
Annan nhiều lần thừa nhận rằng ông không làm đủ để ngăn chặn cuộc diệt chủng ở Rwanda. Ảnh: AFP
Sau đó, cựu TTK Annan lấy một phòng ở một khách sạn lớn ở Nairobi, nơi ông tổ chức các cuộc đàm phán hòa giải sơ bộ giữa hai bên, nhưng không đạt được những kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, dưới áp lực lớn từ cộng đồng quốc tế, cựu TTK Annan đã xoay xở để đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, dần dần khôi phục lại hoà bình cho quốc gia này.
Hào quang để lại
Khi cựu TTK Kofi Annan rời Kenya, ông gần như đã trở thành một công nhân kỳ diệu, đến mức các nhân viên trong khu bảo tồn động vật hoang dã Masai Mara đặt một con tê giác con theo tên ông sau khi những hình ảnh của ông thường xuyên được dán trên các xe buýt công cộng ở Nairobi.
Do đó, tin tức về cái chết ngày hôm qua của ông đã gợi lên sự tiếc thương vô hạn ở Kenya.
Trong một tuyên bố, cựu Tổng thống Mwai Kibaki nói rằng ông Annan "sẽ được nhớ đến với vai trò trung gian cho việc lập lại hòa bình ở Kenya, khi đất nước chúng ta rơi vào cảnh hỗn loạn chính trị trong năm 2007" và ông ca ngợi ông Annan với những tính cách sánh chói "không thể bắt chước".
Trong khi đó, Cựu Thủ tướng Raila Odinga cho rằng, thế giới "sẽ luôn nhớ tới và tôn vinh ông Annan về "Học thuyết Annan", nhấn mạnh đến việc bảo vệ công dân và cộng đồng quốc tế có quyền can thiệp, khi chính phủ không bảo vệ cuộc sống của công dân nước mình".
Ngoài Kenya, ông Annan cũng giám sát - một thỏa thuận giữa Nigeria và Cameroon nhằm chấm dứt tranh chấp biên giới kéo dài hàng thập kỷ qua bán đảo Bakassi giàu dầu mỏ vào năm 2006, khi ông còn là Tổng thư ký LHQ.
Và vào năm 2000, ông không thể che giấu niềm vui khi tuyên bố kết thúc chiến tranh Ethiopia và Eritrea, nhờ vào sự hòa giải của Algeria.
Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & UN News)