Trường cao đẳng Giao thông Huế khi nâng cấp từ Trường trung học Giao thông Huế (năm 2015) bắt đầu được phép tuyển sinh hệ trung cấp (7 chuyên ngành) và hệ cao đẳng (3 chuyên ngành). Số học sinh cả hai hệ này không đáng là bao, quá thấp so với chỉ tiêu đề ra (trong 3 năm: 2016, 2017 và 2018 chỉ có 161 học sinh, sinh viên (HSSV), trong khi đó việc đào tạo sơ cấp nghề mà chủ lực là lái ô tô, mô tô các loại lên đến mười mấy nghìn học viên. Theo đánh giá của nhà trường, đây là thế mạnh, đồng thời là nguồn thu chính của nhà trường nhiều năm qua.
Tại Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế, trong hai năm 2016 - 2017, đã đào tạo 1.713 HSSV; công nhận tốt nghiệp cho 624 HSSV, trong đó: cao đẳng nghề 52, trung cấp nghề 93, sơ cấp nghề 354 và đào tạo thường xuyên 125 học viên. Biểu số cho thấy, hệ sơ cấp nghề vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Ngành nghề sơ cấp ở đây chủ yếu là nghề may để cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh.
Trường cao đẳng nghề số 23 (Bộ Quốc phòng) cũng tương tự. Trong 2 năm 2016 và 2017, nhà trường đã đào tạo cho 250 sinh viên hệ cao đẳng (trong đó, có 190 bộ đội xuất ngũ), trung cấp nghề là 607 học viên, nhưng số lượng học viên theo học sơ cấp nghề lái mô tô, ô tô các loại là chủ yếu với hàng ngàn người.
Lãnh đạo các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh cho hay, các trung tâm của họ đang gặp khó trong việc tuyển sinh học nghề, bởi việc phân cấp đào tạo còn bất cập; mặt khác, các trường cao đẳng nghề trên địa bàn đã " hút" nhiều học sinh hệ sơ cấp. Lý do dễ hiểu là danh tiếng, thương hiệu trường cao đẳng luôn được lựa chọn hơn trường trung cấp. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các trường cao đẳng hiện đại hơn cũng là lý do để HSSV chọn trường.
Lãnh đạo một số trung tâm dạy nghề kiến nghị, tỉnh phải có giải pháp đồng bộ, hiệu quả và rạch ròi trong việc phân công nhiệm vụ cho các trường, trung tâm. Trường cao đẳng chỉ chú trọng trong công tác dạy nghề trung cấp, cao đẳng nhằm đào tạo đội ngũ tay nghề có chất lượng cao phục vụ cho các khu công nghiệp lớn, xuất khẩu lao động tại các thị trường đòi hỏi nhân công có tay nghề, còn sơ cấp nên dành cho các trung tâm dạy nghề đào tạo sẽ hợp lý hơn.
Khôi Nguyên