Tiếp cận cơ sở tìm hiểu về BLGĐ, chúng tôi nhận thấy tình trạng này đang dần được hạn chế. Những đơn vị trước đây được xem là điểm nóng trong BLGĐ thì nay mỗi năm cũng chỉ xảy ra vài, ba vụ.

Tuyên truyền phòng chống BLGĐ thông qua hội thi

Hành động thiết thực

Chị Hồ Thị Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã A Ngo (A Lưới) khẳng định: Mấy năm gần đây, các địa chỉ của xã được thành lập để giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ tại cộng đồng hầu như không dùng đến. Chuyện những ông chồng tình nguyện chia sẻ việc nhà cùng vợ, tạo điều kiện để vợ tham gia vào những ngày lễ hội đã không còn chuyện lạ ở A Ngo. Đây cũng là tín hiệu vui dễ thấy ở những địa phương khác trong những năm gần đây.

Theo chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới, qua nhiều lần được tập huấn về cách thu chi, quản lý gia đình cũng như hỗ trợ vốn, các phụ nữ dân tộc đã biết tiết kiệm, vun vén xây dựng gia đình. Nhiều chị đã mạnh dạn mở các quán tạp hóa, đại lý để kinh doanh buôn bán, khẳng định được bản thân mình nên tình trạng bạo lực về kinh tế (người chồng nắm toàn bộ quyền chi tiêu trong nhà) cũng được hạn chế.

Trước đây, nhiều chị bị chồng bạo hành nhưng do ảnh hưởng của tư tưởng “tốt khoe xấu che”, hay “xấu chàng hổ ai” nên đành chấp nhận cảnh “ngoài tươi, trong héo”, dẫn đến khi mọi chuyện vỡ lở thì không cứu vãn nổi. Nhưng nay, các chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia các câu lạc bộ (CLB) do hội phụ nữ thành lập để được chia sẻ, giúp đỡ kịp thời.

Chị Nguyễn Thị Nh. thôn An Xuân Tây, xã Quảng An (Quảng Điền) là một ví dụ. Do không có việc làm ổn định, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào chồng; khi vui vẻ thì không sao nhưng khi chồng trái ý thì không những không chi tiền để chị lo ăn uống trong gia đình mà còn bị chồng đánh đập, đay nghiến nặng lời. Từ khi tham gia vào CLB “Phòng chống BLGĐ” của thôn, được chị em trong CLB chia sẻ cách phòng chống BLGĐ, vận động người chồng biết cảm thông chia sẻ với vợ con, nhờ vậy, người chồng đã dần thay đổi tính nết. Chị Nh. còn tham gia học nghề may; hiện đã có nghề may ổn định với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng; góp phần xây dựng kinh tế gia đình, vợ chồng sống êm ấm, hoà thuận.

Cũng nhờ mạnh dạn trải lòng với các thành viên trong CLB “Phòng chống BLGĐ” của xã về cuộc sống “cơm không lành, canh không ngọt” mà chị Chị N.T.P, thôn Tô Đà 2, xã Thủy Tân (Hương Thủy) đã cứu vãn được hạnh phúc gia đình. Nguyên nhân do chồng chị ghen tuông mù quáng nên thường xuyên đánh đập vợ vô cớ. Lúc đầu chị giấu, chịu đựng một mình. Được thể, chồng càng lấn tới, đánh đập nhiều hơn. Tìm đến CLB “Phòng chống BLGĐ” tại địa phương, chị được các thành viêntrong CLB giúp đỡ bằng cách tiếp cận người chồng giải thích, phân tích về hành động sai trái; qua nhiều lần vận động, chồng chị biết được việc làm của mình không đúng và đã sửa chữa. Vợ chồng chị bắt đầu một cuộc sống mới êm ấm hạnh phúc.

Cần sự chung tay toàn xã hội

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh khẳng định: “Tuy không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng chống BLGĐ, song hầu hết nạn nhân trong các vụ bạo lực là phụ nữ và trẻ em vì vậy hơn ai hết chúng tôi luôn trăn trở tìm cách để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em”. Các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGĐ... đến cộng đồng dân cư qua nhiều hình thức dễ tiếp cận như hội thi “Tuyên truyền viên về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ”, “Bình đẳng giới gắn với 5 không, 3 sạch”, diễn đàn “Hãy lên tiếng với BLGĐ”… Qua đó, giúp phụ nữ hiểu được BLGĐ là vi phạm pháp luật để họ mạnh dạn tố cáo khi bị bạo lực.

Các cấp Hội còn thành lập hàng trăm CLB về gia đình như CLB “Vì sự tiến bộ phụ nữ”, “Hạnh phúc gia đình”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Gia đình không bạo lực”… để trang bị kiến thức, tập huấn kỹ năng ứng xử, tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc cho hội viên.

Cùng với việc tuyên truyền, hòa giải nhằm đẩy lùi nạn BLGĐ, công tác tạo việc làm cho chị em, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình cũng được các cấp hội quan tâm; bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLGĐ là do đói nghèo, người phụ nữ không có việc làm, phụ thuộc kinh tế vào chồng... Thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn giải quyết việc làm 120 của Trung ương Hội, quỹ tiết kiệm tự nguyện tại chỗ, Hội LHPN các cấp đang làm tốt vai trò hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho phụ nữ phát triển kinh tế, khẳng định năng lực bản thân. Nhờ vậy, đã có hàng trăm chị em đã có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giảm bớt sự căng thẳng về kinh tế, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Theo chị Lê Thị Hồng Thanh, để công tác phòng chống BLGĐ đạt được kết quả tốt hơn, cùng với sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ cần sự chung tay của toàn xã hội, phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là cho nam giới về bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ để người chồng cùng tham gia, đẩy lùi nạn BLGĐ vốn vẫn còn âm ỉ trong đời sống của nhiều gia đình hiện nay.

Bài, ảnh: Hải Thuận