Một buổi sinh hoạt kết hợp tuyên truyền kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình tại Chi hội Phụ nữ Phú Tuyên (Bình Thành)

Vừa mềm, vừa rắn

Là người nhiều năm tham gia công tác phụ nữ, bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thành đúc rút, những trường hợp bạo lực gia đình phải xử lý khéo léo, hợp tình hợp lý, nhưng bên cạnh đó cũng cần những chế tài mạnh tay để răn đe.

Cách đây khá lâu, gia đình anh N.D và chị N.T.N trú tại thôn Hòa Bình được đánh giá là một trong những điển hình trong phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình khá đầy đủ, là hình mẫu được nhiều người học tập. Nhưng mấy ai ngờ, kinh tế phát triển cũng là lúc anh D. có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ khác, rồi trở về đánh đập, bạo hành vợ. Trước tình hình đó, Hội LHPN xã cùng với các đoàn thể nhiều lần hòa giải, khuyên răn anh D. nhưng bất thành. Nhận thấy sự việc ngày càng nghiêm trọng, bà Thúy báo cáo với Công an thị xã Hương Trà vào cuộc và đưa anh D. vào trại giáo dưỡng trong 2 năm. Sau khi trở về, Hội LHPN xã gặp trực tiếp anh D. động viên tinh thần, giải thích cặn kẽ và giúp gia đình tiếp tục phát triển kinh tế. Hiện nay, 2 vợ chồng anh chị đã hòa thuận trở lại.

Bà Diễm Thúy cho biết, nhờ kết quả từ vụ việc của anh D. và chị N. mà công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương ngày càng hiệu quả. Nhiều trường hợp sau này đều nhìn đó làm gương mà sửa đổi. Như anh T.C (thôn Hòa Bình) nhiều lần đánh đập, chửi mắng vợ, được Hội LHPN xã mời đến hòa giải, giáo dục răn đe, phân tích lợi hại nên gia đình đã hạnh phúc trở lại.

Gần gũi với dân

Không ít trường hợp người phụ nữ thường chọn cách im lặng, cam chịu khi bị chồng bạo hành khiến công tác phát hiện và hòa giải của hội gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy, cán bộ Hội LHPN xã thường chọn nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau như thăm dò, gặp gỡ người thân trong gia đình để nắm bắt tình hình, từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp.

“Công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần phải linh hoạt, tùy từng trường hợp cụ thể mà có cách giải quyết khác nhau. Trong các vụ việc hòa giải, cán bộ phụ nữ  phải như một người bạn, một người hàng xóm giúp mang lại cảm giác gần gũi, thân thiện”, bà Diễm Thúy chia sẻ.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em về bạo hành gia đình cũng được hội chú trọng và lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, các hoạt động chào mừng ngày 8/3, 20/10 và tuyên dương các gia đình điển hình về xây dựng hạnh phúc vào Ngày Gia đình Việt Nam.

Đáng chú ý, mô hình "Nhà lánh nạn" được hội triển khai tại nhà văn hóa của 11 thôn mang lại hiệu quả cao. Đây là địa chỉ đáng tin cậy của các đối tượng bị bạo hành. Lực lượng cán bộ tại chỗ từ các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… đóng vai trò giải quyết kịp thời, ngăn chặn để sự việc không diễn biến theo chiều hướng xấu, đồng thời báo cáo với các cấp chính quyền để đưa ra hướng xử lý.

Ngoài ra, Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại 5 thôn: Phú Tuyên, Hòa Bình, Hòa Thành, Bồ Hòn, Bình Dương cũng đã phối hợp tốt với Hội LHPN xã trong việc tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; trong đó cán bộ hội là những người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động và được người dân tín nhiệm.

Bài, ảnh: Minh Nguyên