Ao hồ NTCT ở Quảng Điền sau khi thu hoạch, chấn chỉnh, người dân cam kết không tái phạm
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, ông Nguyễn Đình Châu cho rằng, nuôi tôm từ lâu là thế mạnh phát triển kinh tế của vùng đầm phá thị trấn Sịa nói riêng và huyện Quảng Điền nói chung. Gần đây, thấy NTCT mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân lén lút nuôi, bất chấp các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật không đảm bảo.
Ông Châu thẳng thắn, tại thị trấn Sịa có đến 90% số hộ NTCT, cao nhất toàn huyện. Việc người dân lén lút NTCT trên vùng đầm phá khi chưa cho phép cho thấy việc kiểm tra, giám sát của địa phương chưa chặt chẽ, quyết liệt; một phần do ý thức người dân còn thấp, thấy lợi trước mắt, chưa lường hậu quả lâu dài. Gần một tháng nay, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý các hộ vi phạm; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không tái phạm, chuyển sang nuôi tôm sú, xen ghép đúng quy định. Tính đến thời điểm này, hầu hết các hộ nuôi đã thu hoạch xong và được địa phương tổ chức ký cam kết không tái phạm. Vào vụ nuôi mới sang năm 2019, địa phương sẽ giám sát chặt, xử lý nghiêm, triệt để các hộ vi phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, thời gian qua trên địa bàn các xã, thị trấn, rất nhiều hộ dân NTCT trái phép trên phá Tam Giang với 192 hộ, diện tích 134,59 ha, vi phạm Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND, ngày 27/11/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định về NTCT trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Một số xã có tỷ lệ hộ dân thả tôm chân trắng chiếm 10-30% như Quảng An, Quảng Công, Quảng Ngạn. Phần lớn người dân đều NTCT xen ghép cùng với tôm sú, cua, cá các loại, một số hộ thả chuyên tôm chân trắng. Riêng ở thị trấn Sịa, người dân chủ yếu chuyên NTCT với tỷ lệ khoảng 90% số hộ.
Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền đang phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh, UBND các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn cho các hộ có nguyện vọng đăng ký NTCT, nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện (hạ tầng, kỹ thuật, kinh nghiệm...) theo quy định tại Quyết định 72/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh để được xem xét, giải quyết cho nuôi. Quá trình nuôi NTCT sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ nhằm sớm phát hiện, xử lý các loại dịch bệnh có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho các đối tượng nuôi trong các vùng lân cận. |
Theo ông Tiến, việc thả NTCT tự phát, không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt sẽ có nguy cơ rủi ro, hệ lụy là gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Khi diện tích NTCT phát triển đại trà, không tuân thủ quy hoạch, hệ thống ao nuôi và hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo… sẽ ảnh hưởng xấu, nguy hại đến các đối tượng thủy sản nuôi xung quanh. NTCT thường mật độ cao, nguồn vốn đầu tư lớn, nếu xảy ra dịch bệnh sẽ gây thiệt hại, thua lỗ lớn. Sự phát triển diện tích NTCT quá nhanh sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, khó kiểm soát.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Quảng Điền, các địa phương đã triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh thông qua các cuộc họp, tổng kết các tổ nuôi trồng, hội nghị tổng kết thủy sản của các địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến ngày 15/8, các địa phương đã hoàn thành công tác tổ chức cho 192 hộ vi phạm và các hộ khác ký cam kết không NTCT khi chưa đủ điều kiện, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Từ vụ nuôi năm 2019 trở đi, ngành nông nghiệp huyện và các địa phương kiểm tra, quản lý chặt chẽ nhằm sớm phát hiện và báo cáo ngay từ đầu vụ để xử lý, ngăn chặn kịp thời, không để tình trạng NTCT trái phép xảy ra ồ ạt. Với các hộ cố tình chây ỳ, không chấp hành sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và xem xét có thể nghiêm cấm mọi hoạt động nuôi trồng thủy sản để răn đe.
Bài, ảnh: Hoàng Triều