Đến nơi, quan sát chị thấy chân bà chảy máu ở gót, ông vẫn đi lại nghe gọi điện thoại bình thường. Dù thế chị vẫn gọi taxi để ông bà đi cùng nhau, chị chạy xe máy theo sau. Chồng chị ở lại cùng công an giải quyết, đo vẽ, chụp ảnh... hiện trường.

Xong các thủ tục ban đầu ở phòng cấp cứu, chị hết đẩy bà đi chụp phim, siêu âm rồi vội vàng trở lại phòng cấp cứu đưa ông làm các xét nghiệm ban đầu như bà vì lúc vào phòng cấp cứu ông cũng kêu đau chân, ê ẩm mình mẩy. Kết quả siêu âm, khám ban đầu cho thấy, ông chỉ bị xây xát nhẹ, bà có khả năng phải mổ vì vết thương tuy không sâu nhưng dính mảnh vỡ của kính nên buộc phải gắp.

Lúc này, một vài người cháu gọi bằng cô chú của ông bà đến, chị nhờ trông chừng giúp để lấy kết quả chụp phim. Phòng đợi lấy kết quả cả trăm người. Đợi mãi không thấy kêu tên ông bà chị đánh liều đến xin bác sĩ cho lấy kết quả sớm để bà được mổ và nhận luôn là con gái nên bác sĩ cũng tạo điều kiện. Ca tiểu phẫu diễn ra ngay sau đó và bà nhanh chóng được chuyển về khoa chấn thương chỉnh hình rồi ra viện sau đó không lâu.

Ông được xuất viện ngay xảy ra tai nạn và nhiều lần muốn đến cơ quan công an để làm thủ tục giải quyết vụ việc sớm lấy lại xe cho cả đôi bên. Thế nhưng, vợ chồng chị khuyên ông nên nghỉ ngơi đợi ngày bà ra viện rồi giải quyết.

Buổi chiều, sau khi bắt xe buýt từ nhà đến bệnh viện thăm khám bệnh thường niên, anh ghé chở ông luôn tiện đến cơ quan công an để xử lý, thương lượng giải quyết vụ việc. Cán bộ xử lý vi phạm giao thông phân tích xe ô tô đã đi đúng làn đường ưu tiên, tốc độ 0km/h, nghĩa là đã dừng lại trước khi xảy ra và chạm. Lẽ ra xe máy nên nhường cho ô tô... Anh ngắt lời vị cảnh sát và xin không nói thêm về lỗi của ai, vì họ không muốn ông phải cảm thấy có lỗi và muốn được tự thương lượng, giải quyết. Lấy xe về, anh chị gửi thêm chút tiền bồi dưỡng cho ông bà bởi dù thế nào họ vẫn chịu thiệt thòi hơn... Dĩ nhiên là ông từ chối nhưng vì sự chân thành của anh, ông đành nhận.

Về nhà, anh nhận được điện thoại của ông bà với niềm cảm kích, “ở hiền gặp lành”. Anh xua đi và bảo, chính anh chị mới là người phải  cảm ơn vì hậu quả tai nạn không lớn. Xe hỏng có thể sửa nhưng tính mạng con người một khi đã mất đi hoặc thương tật vĩnh viễn thì không gì bù đắp được.

Sau vụ tai nạn, anh chị trở thành “người thân” của ông bà. Lúc có việc hoặc lên Huế thăm khám bệnh thường kỳ, ông bà đều ghé thăm hoặc chí ít cũng gọi điện thoại báo tin, thăm hỏi. Ngược lại, khi có việc hoặc thỉnh thoảng đi ngang qua, anh chị cũng dành chút thời gian ghé thăm ông bà. Thế nên, con cái ông bà cũng xem anh chị như người nhà. Từ hai người xa lạ, hai gia đình xa lạ, họ trở thành người quen, người thân với nhau.

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn. Giá như vụ tai nạn nào cũng được ứng xử có văn hóa, giải quyết bằng tình cảm, tình người như thế hẳn đã không có những xô xát, lớn tiếng xảy ra và văn hoá giao thông của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Là tôi đã nghĩ thế khi chứng kiến và nghe được câu chuyện đầy tính nhân văn này.

Hồng Tâm