Đói nghèo vẫn tồn tại trong đà phát triển lớn mạnh ở ASEAN. Ảnh: Devdiscourse

Cụ thể, đối với những trường hợp người nghèo dễ bị tổn thương đang bị bỏ lại phía sau so với đà phát triển của đất nước, chính phủ cần triển khai các hành động khẩn cấp bằng cách trao quyền tiếp cận, hỗ trợ người dân với tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm.

Đây là những trọng tâm chính được nêu lên tại diễn đàn chuyên sâu giữa ASEAN – Trung Quốc – Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), với chủ đề “Bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện xóa đói giảm nghèo”, diễn ra tại Siem Reap (Campuchia) trong tuần này.

Tham gia diễn đàn là sự có mặt của đại diện cấp cao đến từ các cơ quan nhà nước của các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các tổ chức báo đài truyền thông.

“Trong thời gian qua, khu vực ASEAN đã từng bước chứng kiến nhiều thành quả, lợi ích kinh tế đáng kể. Nhưng cùng với đó, các thách thức cản trở tiến trình phát triển vẫn còn tồn tại. Cụ thể, bất bình đẳng ngày càng gia tăng, nguy cơ mất việc của lao động vẫn còn cao, suy thoái môi trường và gia tăng nguy cơ xảy ra thiên tai hiện đang là các rào cản làm suy yếu những lợi ích mà khu vực đã nỗ lực đạt được và đẩy người dân vào tình trạng nghèo khổ”, hãng tin Devdiscourse ngày 21/8 dẫn lời ông Hao Liang Xu, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cho hay.

Theo Giám đốc Hao Liang Xu, chương trình nghị sự 2030 hoàn toàn có thể tập hợp sự hợp tác và nỗ lực bền vững từ các quốc gia để giải quyết triệt để thách thức này. Do đó, tất cả các nước cần lên kế hoạch hành động thông qua các lối sách sáng tạo để mở rộng quy mô và chuẩn bị tốt cho những thay đổi trong thời gian tới.

Được biết, diễn đàn chuyên sâu lần này là một phần của chuỗi sự kiện “không bỏ ai lại phía sau”, trong đó các đại biểu sẽ tập trung hỗ trợ các nước thành viên ASEAN xây dựng chiến lược và chính sách nhằm thúc đẩy sự bổ sung giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững ở cấp quốc gia và khu vực.

Về kế hoạch dài hơi, UNDP đang làm việc với ASEAN và Trung Quốc để thúc đẩy các sáng kiến khu vực nhằm phát triển các mục tiêu phát triển bền vững ở ASEAN, đồng thời biến các cam kết của nhà nước thành hành động và dự án cụ thể ở cấp địa phương nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của tầng lớp người dân dễ bị tổn thương nhất.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)