Trồng keo kinh tế, giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên

Rừng đang mất và bị suy thoái

Ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng- Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, tình trạng thiếu đất sản xuất ngày càng tăng, trong khi chưa có quỹ đất giao cho dân; nhất là việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi phải thực hiện di dân, tái định cư nhưng không có quỹ đất bố trí sản xuất dẫn đến phá rừng lấy đất sản xuất diễn biến phức tạp. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 386 vụ chặt phá rừng với diện tích gần 226 ha. Riêng việc chuyển đổi diện tích rừng sang xây dựng các công trình làm thiệt hại gần 1.550 ha. Từ khi đóng cửa rừng tự nhiên khiến nguồn gỗ gia dụng khan hiếm, người dân lại chưa quen sử dụng các vật liệu thay thế để làm nhà ở đã lén lút khai thác gỗ trái phép, có giai đoạn gỗ tự nhiên khai thác lên đến 15 ngàn m3/năm. Toàn tỉnh xảy ra 222 vụ cháy rừng gây thiệt hại gần 295 ha rừng trồng.

Tình hình thiệt hại rừng do bão, lốc tố hằng năm đều xảy ra, tập trung ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và các vùng ven biển. Cơn bão số 6 năm 2006 làm thiệt hại 5.000 rừng trồng. Gần nhất là cơn bão số 10 năm 2017 gây thiệt hại 330 ha rừng trồng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân và 34 ha rừng tự nhiên ở A Lưới. Sạt lở đất xảy ra tại các huyện A Lưới, Nam Đông, TX. Hương Thủy gây thiệt hại hằng năm từ 2-3 ha rừng tự nhiên tại các khu vực khe suối.

Nhận định của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, nhiều diện tích đất sử dụng không nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp gây khó khăn lớn trong quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa ngành nông nghiệp, tài nguyên và môi trường và các ngành khác. Việc quản lý đất lâm nghiệp của một số đơn vị lâm nghiệp Nhà nước còn lỏng lẻo, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Một số chủ rừng để người dân tự ý lấn chiếm đất trồng rừng, sau thời gian dài mới phát hiện, song giải quyết không dứt điểm. Thậm chí một số đơn vị không nắm rõ đất trong quy hoạch và đất ngoài quy hoạch của mình quản lý.

Theo đánh giá của các đơn vị tham vấn, các huyện đều có quy hoạch phát triển nông nghiệp với các giống chủ lực như cao su, mía đường, dứa… Tuy nhiên việc phát triển các loại cây này trong thời gian qua mang lại hiệu quả thấp do giá cả thị trường bấp bênh, bão gây đổ ngã. Một số địa phương đã chuyển diện tích cao su, mía sang trồng cây ăn quả, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, GPTKNK chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu theo phương thức truyền thống ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phá hủy tài nguyên đất, gia tăng lượng PTKNK do sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu…

Trồng rừng gỗ lớn ở Lộc Bổn (Phú Lộc), góp phần bảo vệ rừng tự nhiên, GPTKNK

Đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng

Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông đề xuất, cần tạo thuận lợi cho người dân được giao khoán đất và rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng và sở hữu rừng theo quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hàng hóa. Ngành lâm nghiệp cùng với các địa phương rà soát các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững theo hướng GPTKNK gắn với chuỗi giá trị nhằm nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Người dân, cộng đồng tại các vùng thường bị “tổn thương” do thiên tai cần được hướng dẫn, hỗ trợ mô hình sinh kế như trồng cây ăn quả, chăn nuôi trang trại, trồng mây, dược liệu dưới tán rừng, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch…

Ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng-Chi cục Kiểm lâm tỉnh hiến kế, ngành lâm nghiệp cần phát triển chính sách khuyến khích liên kết các chủ rừng hình thành mô hình HTX, hoặc tổ hợp tác, sản xuất, kinh doanh rừng trồng bền vững. Khuyến khích các hình thức liên kết, hợp đồng giữa các DN chế biến và các chủ rừng theo mô hình chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn đang triển khai của Công ty Scanviwood. Đó là, cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các chủ rừng, cho vay ưu đãi 4 triệu đồng/ha rừng keo trồng 4 năm tuổi trở lên với lãi suất thấp; thu mua sản phẩm theo giá thị trường đối với gỗ không có FSC và cộng thêm 15-20% giá tùy thuộc vào chất lượng gỗ.

Đại diện các ban ngành có chung quan điểm, các địa phương và ngành lâm nghiệp cần quy hoạch vùng khai thác nguyên liệu đảm bảo độ che phủ, nâng cao năng suất và giá trị gỗ rừng trồng thông qua giảm tỷ trọng xuất khẩu gỗ dăm, tăng tỷ trọng gỗ chế biến gia dụng, tiến tới cấp chứng chỉ rừng FSC; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm, từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Để giảm thiểu rủi ro về thiên tai, các đơn vị tham vấn cho rằng, cần rà soát, đánh giá các mô hình sử dụng đất bền vững theo hướng sử dụng biện pháp canh tác hợp lý, giữ lại thực bì che phủ bề mặt nhằm hạn chế rửa trôi, xói mòn; thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn theo hướng đa loài, đa mục đích, thiết kế mật độ và loài cây thích hợp có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết…

Đại diện lãnh đạo ban ngành các huyện, thị xã đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, tăng cường thực thi pháp luật; rà soát quy hoạch diện tích lâm nghiệp, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020; nâng cao hiệu quả giao đất giao rừng, đề xuất cơ chế hưởng lợi phù hợp với chính sách mới theo hướng có lợi về GPTKNK; phát triển nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, GPTKNK… được xác định là những giải pháp cơ bản.

Bài, ảnh: Hoàng Triều