Cả 12 đứa con Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng đều đậu đại học khiến nhiều người nghe nức lòng, khâm phục. Trong ảnh, thiếu em Võ Thị Ngọc Trinh do chăm nội già yếu ở Phú Lộc. Ảnh: Q.D

Vượt qua “giông bão”

Nhà bảo trợ Phú Thượng ra đời từ năm 2007, do một nhóm từ thiện của bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế quyên góp tiền để nuôi dưỡng những học sinh hiếu học nhưng gặp hoàn cảnh quá khó khăn. 12 cô cậu học trò giỏi ấy đã cùng bước vào ngôi nhà này từ nhiều vùng quê. Mỗi người một số phận, người mất mẹ, người mất cha, người nhà quá nghèo... nhưng có chung một khát vọng: Đeo đuổi sự học!

Hoàn cảnh nghèo khó, học đến lớp 12 rồi nhưng vì gia đình không đủ lực lo cho con nên Trần Thị Mau (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) được người quen giới thiệu vào nhà bảo trợ để tiếp tục được nuôi dưỡng, ăn học. Bà nội già yếu, người cha bệnh nặng cùng với người cô mắc hội chứng down bao nhiêu gồng gánh đổ lên vai người mẹ lam lũ với giỏ bánh lọc nuôi cả nhà. Giấu những giọt nước mắt, ngày vào nhà bảo trợ Mau mang theo quyết tâm bằng mọi giá phải đậu vào đại học để thay đổi số phận. Ngày nhận tin mình trúng tuyển vào ngành điều dưỡng, Trường ĐH Y dược – ĐH Huế đã khiến cô gái như vỡ òa trong hạnh phúc. “Hành trình của em ở phía trước vẫn còn dài, nhưng chưa bao giờ ý chí vượt khó của em dừng lại. Giấc mơ đã gõ cửa, bây giờ em phải mở cánh cửa đó, vì bản thân em, vì những tấm lòng hảo tâm đã cưu mang...”, cô tân sinh viên nghèo xúc động. Mau tâm sự, đã thuê được chỗ trọ gần trường, và đang tìm kiếm công việc làm thêm để có thêm thu nhập trang trải việc học.

Ngày nhận tin trúng tuyển vào ngành kỹ sư chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, cậu học trò nghèo Nguyễn Văn Quyền (quê ở phường Hương An, thị xã Hương Trà) đã khóc vì hạnh phúc và điện về báo với những người nuôi dưỡng ở nhà bảo trợ cũng như ba mẹ ở quê nhưng không giấu được nỗi lo lắng bởi gánh nặng với em ở phía trước vô cùng lớn. Nhà nghèo, mẹ bệnh nặng nằm viện ngày này qua tháng nọ, anh trai sau một tai nạn dẫn đến chứng tâm thần, trụ cột người cha không kham nổi nên gửi Quyền vào nhà bảo trợ từ năm lớp 6.

Không phụ lòng các bảo mẫu, Quyền đã trúng tuyển vào ngành học yêu thích. “Mọi khó khăn thời gian qua em đã vượt qua được thì 5 năm học phía trước chẳng làm em nản lòng. Ước nguyện của em học thật tốt, và có việc làm ổn định để lo cho bản thân, gia đình và giúp đỡ những phận đời nghèo khó như mình”- Quyền trải lòng.

“Không để các em từ bỏ giấc mơ”

10 bạn còn lại cũng đều có những hoàn cảnh khó khăn như thế và cùng ghi tên mình trong danh sách trúng tuyển năm nay. Lê Văn Cường trúng tuyển vào ngành khoa học môi trường của một trường thuộc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Lê Phan Thành Đạt trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng. Phan Đình Nhật trúng tuyển vào Trường Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Kim Ngàn, Võ Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Nguyên Chương, Phan Thị Mơ, Phan Văn Duy, Võ Thị Kim Loan cũng nằm trong danh sách trúng tuyển của các trường thành viên thuộc ĐH Huế.

Từ khi hay tin những đứa con trong “nhà” trúng tuyển vào các trường đại học với điểm số khá cao, các cô bảo mẫu ở Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng vừa mừng bởi thành quả sau một chặng đường chăm chút, và lo bởi những tháng ngày phía trước. Các cô phải thông qua các mối quan hệ, tổ chức xã hội, tấm lòng hảo tâm để tìm học bổng tiếp sức cho những “đứa con” của mình. Dù không phải máu mủ ruột rà nhưng nhìn tình cảm của các cô bảo mẫu đối với các em mới hiểu được sự thiêng liêng của tình người.

Gặp chúng tôi giữa trưa nắng, cô Tôn Nữ Quỳnh Dương, phụ trách văn hóa – học tập - đạo đức – nuôi dạy nhà bảo trợ kể rằng, vừa chạy ra ngân hàng để kịp gửi tiền cho một vài em nhập học ở xa để nộp học phí. Theo các em từ khi vừa đặt chân vào nhà bảo trợ, “mẹ” Dương hiểu từng hoàn cảnh, tính cách của mỗi đứa. Dù nghèo khó nhưng đứa nào cũng chăm chỉ, học giỏi và có được thành quả như ngày hôm nay. Cô Dương bảo, dù các em không còn ở trong nhà bảo trợ nhưng vẫn lo lắng, chu cấp để không có em nào phải từ bỏ giấc mơ của mình.

PHAN THÀNH