Người trồng thanh trà cũng có cơ hội quảng diễn, giới thiệu các món ngon từ thanh trà đến với thực khách và hơn cả là tăng nguồn thu từ các dịch vụ đi kèm cũng như giá trị thương phẩm của trái thanh trà và xa hơn nữa là cách quảng bá hiệu quả thanh trà Huế với cả nước và thế giới qua các phương tiện thông tin, truyền thông. Điều này có được từ sự nỗ lực xây dựng thương hiệu một thời gian khá dài của phường Thủy Biều cùng với các đơn vị liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa - Thể thao, UBND TP. Huế…

So với một số loại trái cây cùng “dòng họ” như bưởi Năm Roi của Vĩnh Long, bưởi hồng da xanh Đồng Nai, thì thanh trà Huế dù không “sinh sau đẻ muộn” nhưng thương hiệu và được nhiều người biết đến chưa thể sánh bằng. Đó là điều mà người trồng thanh trà và chính quyền địa phương cần nhìn nhận để có giải pháp quảng bá tốt hơn. Song có một thực tế là dù thanh trà Huế so về độ ngon, thơm, ngọt thanh thì những loại quả na ná nêu trên khó sánh kịp, thế nhưng thanh trà Huế mãi quẩn quanh nơi vùng Hương Ngự hoặc xa hơn là đến một số siêu thị trong nước, trong khi không chỉ bưởi mà nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam đã vươn ra thị trường thế giới. Và hẳn nhiên là giá trị thương phẩm cao hơn nhiều so với chỉ bán trong vùng, trong nước.

Điều gì khiến thanh trà Huế chưa thể “vươn ra biển lớn? Theo lời Chủ tịch UBND phường Thủy Biểu - Hoàng Thăng Long là do thanh trà Huế chưa đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu, mà nhất là chưa thể canh tác theo hình thức chuyên nghiệp, mùa nào cũng có. Hiện chỉ có thể thu hoạch theo vụ và mỗi năm chỉ có một vụ duy nhất bắt đầu từ tháng bảy đến cuối tháng tám âm lịch. Hơn nữa, trọng lượng của thanh trà cũng chưa thể cạnh tranh với các loại trái cây đặc sản khác. Như lời ông Hoàng Thăng Long thì muốn xuất khẩu ít nhất mỗi quả đạt từ 1,5- 2kg trở lên, song hiện thanh trà Huế chỉ đạt từ vài lạng đến hơn 1kg. Những lí do đó khiến thanh trà Huế khó đến tay người tiêu dùng ngoài nước.

Đầu tư canh tác theo hướng chuyên nghiệp hơn hướng đến nâng cao giá trị thương phẩm và xuất khẩu thanh trà cần được tính tới bằng chiến lược dài hơi của không chỉ chính quyền địa phương, người dân mà còn của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp... từ việc nhân giống đến chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh phải theo hướng hiện đại nhất, song vẫn đảm bảo tính an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó khâu nhân giống cần được chú trọng bằng biện pháp hiệu quả hơn ngoài chiết cành như hiện nay mà vẫn đảm bảo sản lượng. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác cũng đóng vai trò quan trọng không kém và cần nhất tính chuyên nghiệp chứ không phải chỉ “trông chờ vào thời tiết” như hiện nay. Người nông dân cũng cần hội nhập, thay đổi tư duy, tiếp cận công nghệ mới chứ không chỉ là “xưa bày, nay làm”.

Được thế, người trồng thanh trà sẽ bớt phụ thuộc thời tiết, không lo mưa nắng thất thường hoặc thiếu lượng phù sa như năm nay khiến cây thanh trà kém sản lượng.

Theo nhận định của lãnh đạo phường Thủy Biều, so với năm trước, sản lượng thanh trà năm nay có giảm đôi chút, song không đáng kể, tương đương khoảng từ 800-900 tấn/hơn 140ha tổng diện tích trồng thanh trà toàn phường. Chủ tịch UBND phường Thủy Biều thông tin, phường và các ban ngành đang tính tới mở rộng diện tích trồng thanh trà theo hướng thương phẩm. Nếu làm được thế, sẽ là mô hình tốt để các huyện, thị xã có diện tích trồng thanh trà lớn như Phong Thu (Phong Điền), Hương Vân (Hương Trà), Thủy Bằng (Hương Thủy) học tập. Điều đó sẽ góp phần làm cho thương hiệu chung: Thanh trà Huế vươn ra khu vực, thế giới. Như thế, giá trị thương phẩm của thanh trà sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba so với giá từ 40-50.000 đồng/kg như hiện nay.

TÂM HUỆ