Gia đình ông Mẫn có 9 anh chị em, tham gia kháng chiến đã hy sinh 5 người; trong đó người anh cả là Vĩnh Tập, đảng viên duy nhất của Tiếp phòng quân Huế, hy sinh năm 1948, người mà trong những năm 1945-1946 luôn được các đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu trao đổi bàn bạc trong nhiều vấn đề. Cũng phải nói thêm là, “ông Hoàng” Vĩnh Tập, Chính trị viên của Trung đội Tiếp phòng quân đã cùng với toàn bộ đồng đội của mình anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức tại nhà hàng Sáp-phăng-giông, chiến công được tác giả Phùng Quán khắc ghi trong tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” nổi tiếng và những hài cốt của họ đã được phát hiện cách nay 18 năm khi đào hố móng xây dựng công trình Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Thừa Thiên Huế (nay là Sở Khoa học và Công nghệ).
Chuyện anh em nhà ông Vĩnh Mẫn là câu chuyện lịch sử mang tính đặc thù ở một vùng đất từng là thủ phủ và kinh đô xưa, gắn liền với thời gian trị vì của dòng họ Nguyễn kéo 329 năm, trong những tháng năm đầu tiên của cách mạng. Lịch sử khắc ghi buổi chiều lịch sử 30-8-1945, vị vua cuối cùng của Hoàng tộc Nhà Nguyễn là Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Người sau này được nhắc nhiều đến với câu nói nổi tiếng “Làm dân của một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ” bày tỏ ước mong những người trong Hoàng tộc được cách mạng đối xử như những công dân bình thường khác.
Anh em Vĩnh Mẫn cùng những người trong Hoàng tộc đã làm hơn thế niềm mong ước của vị quân vương cuối cùng Vương triều Nguyễn khi rất nhiều trong số họ đã trực tiếp tham gia kháng chiến và trở thành những chiến sĩ cách mạng. Tiêu biểu là đại gia đình cụ Hường Thiết, con trai Tuy Lý Vương, một gia đình Hoàng tộc tiêu biểu ông Ưng Gia, con cụ Hường Thiết, là người chỉ huy Pháo Đài Láng (ngoại thành Hà Nội), đơn vị pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Ưng Trí, em trai ông Gia, từng là Chủ tịch Kháng chiến hành chính thành phố Huế thời kháng Pháp; ông Ưng Bình Thúc Giạ, anh ông Gia, có 2 người con đi kháng chiến; ông Ưng Tôn, anh trai ông Gia, có 6 người con tham gia kháng chiến; bà Diệu Phẩm, em gái ông Gia, cùng chồng là Đổng Lý Văn phòng của Cựu hoàng Bảo Đại- Phạm Khắc Hoè; bà Chánh Tín, em gái ông Gia, là mẹ của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Hay các vị: Bà Hoàng Sử, cháu ngoại cụ Hường Thiết, cùng chồng tham gia kháng chiến từ đầu; ông Hoàng Xuân Hiển, cháu ngoại cụ Hường Thiết, chiến sĩ quân báo Huế đã hy sinh năm 1947; ông Ưng Uý, cháu nội Cố Tuy Lý Vương, thân sinh nhà bác học Việt Nam đầu tiên ở Đông Nam Á Bửu Hội, tham gia kháng chiến theo lời mời của Bác Hồ.
Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế đã có đoạn viết về Huế những ngày sau Cách mạng Tháng Tám rất cảm động như sau: Dưới sự chỉ đạo của Thị uỷ Huế, chính quyền Cách mạng đã mời bà Nam Phương hoàng hậu ra làm cố vấn cho Ban tổ chức các “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”. Bà đã cùng với Hội phụ nữ cứu quốc và các tổ chức xã hội vận động nhiều gia đình giàu có trong thành phố, Hoàng tộc đóng góp nhiều vàng bạc, tiền của cho chính quyền… Cũng như rất nhiều người khác nữa, với tôi, đó là những hình ảnh đẹp, thật khó quên. Nó chỉ có ở Huế kinh đô và là biểu hiện sinh động của tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc được khởi xướng từ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đan Duy