Cán bộ y tế phối hợp truyền thông, tư vấn phòng ngừa bệnh tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số

Không có xáo trộn lớn

Tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh ban hành quyết định sáp nhập 9 TTDS trở thành các phòng dân số trực thuộc TTYT huyện, thị xã. Tất cả cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ dân số trước đây vào "ngôi nhà chung" giữ nguyên trạng, chế độ lương bổng, phụ cấp không thay đổi. Riêng, các nguyên giám đốc TTDS được bổ nhiệm làm trưởng phòng DS, trực thuộc các TTYT huyện, thị xã.

Bác sĩ Trần Hùng Lĩnh, Trưởng khoa DS-KHHGĐ, TTYT Phong Điền cho biết, chủ trương của  Đảng, Nhà nước đề ra anh em đồng tình. Sau khi sáp nhập, những cán bộ dân số nhận định đây là mô hình "2 trong 1", không có biến động, xáo trộn. Công tác dân số trên địa bàn được duy trì, hoạt động hiệu quả. Cán bộ chuyên trách và hơn 230 cộng tác viên dân số vẫn ở trạm y tế xã, thị trấn; chỉ khác là người "cầm trịch" ngành dân số ở huyện trước đây không còn chức trách chỉ đạo trực tiếp ở cơ sở. Mọi công việc liên quan, như bổ sung, tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất, thực hiện chuyên môn... trong lĩnh vực dân số đều xin "lệnh" của giám đốc TTYT huyện.

Tìm hiểu ở thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang, Phú Lộc... công tác DS vẫn hoạt động ổn định kể từ sau ngày TTDS  sáp nhập vào TTYT các huyện, thị xã. Các khoa DS vẫn ở địa chỉ cũ; đội ngũ cán bộ dân số vẫn giữ vị trí việc làm như trước. Chỉ một vài cán bộ kế toán của TTDS được bổ sung vào phòng tài chính kế hoạch, TTYT huyện, thị xã đảm trách công việc sổ sách, kế toán tài chính.

Theo bác sĩ CK II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc TTYT thị xã Hương Thủy, quan điểm của TTYT thị xã việc sáp nhập không làm xáo trộn, không ảnh hưởng đến hoạt động công tác dân số. Mô hình này chỉ là "Bình mới, rượu cũ", giúp cán bộ y tế và dân số cùng phối hợp hoàn thành tốt công việc. TTYT thị xã luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt để Khoa DS hoạt động, đặc biệt trong công tác truyền thông cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ cho người dân.

Đảm bảo hiệu quả

Hiện, công việc sáp nhập TTDS vào TTYT huyện, thị xã đã ổn định. Tuy nhiên,  nhiều cán bộ dân số vẫn đặt câu hỏi là hiệu quả hoạt động sau khi sáp nhập. Một trưởng khoa DS-KHHGĐ ở TTYT huyện chia sẻ, khác với y tế, công tác dân số khá đặc thù và mang tính cộng đồng xã hội, đòi hỏi sự cộng hưởng thường xuyên, lâu dài. Triển khai một chương trình, hoạt động liên quan đến công tác dân số cần 5-10 năm mới đánh giá hiệu quả. Nếu quan tâm đúng, công tác dân số sẽ phát triển, mang lại kết quả tích cực; nếu không sẽ ngược lại.

Một bác sĩ có thâm niên hoạt động trong ngành dân số diễn giải, chưa đến một tháng kể từ ngày sáp nhập TTDS vào TTYT huyện thì không thể đánh giá được điều gì. Với công tác dân số, dù hoạt động theo mô hình nào cũng phải ưu tiên số một. Sáp nhập vào TTYT huyện, công tác dân số cần được thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng mới hoạt động tốt hơn. "Hiện các TTYT đang “gánh” 3 nhiệm vụ lớn là khám chữa bệnh, dự phòng dịch và dân số. Trong đó, dự phòng và dân số được cấp kinh phí hoạt động, còn khám chữa bệnh tự trang trải kinh phí. Kinh nghiệm nhiều địa phương cho thấy, các TTYT thường mất nhiều thời gian vào công tác khám chữa bệnh, dự phòng... vì hiện nay đang trong xu thế cạnh tranh, lấy người bệnh làm trung tâm hoạt động để tồn tại, phát triển". Bác sĩ này chia sẻ.

Bác sĩ Hoàng Văn Đức, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho rằng, mục tiêu của việc sáp nhập TTDS vào TTYT huyện là đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhất là công tác dân số hiện nay đang đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới. Ngoài vấn đề truyền thông, rất cần sự phối hợp trong triển khai các dịch vụ điều trị, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số tại các cơ sở y tế.

"Thay đổi cơ chế hoạt động của đơn vị, ban đầu cũng phát sinh một số vấn đề. Vì thế, ngành y tế tiếp tục sát sao trong chỉ đạo, nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo hiệu quả sau khi sát nhập TTDS vào TTYT huyện, thị xã". Bác sĩ Hoàng Văn Đức nói.

Bài, ảnh: Minh Văn