Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đang có xu hướng giảm do chính sách kiểm soát, ngăn chặn nhập khẩu tiểu ngạch

Gạo sang Trung Quốc giảm mạnh

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), tính tới hết tháng 7-2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn đang chiếm vị trí số 1 về nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần, tiếp theo là Indonesia với 18,2% và Philippines với 10,4%, nhưng theo thông báo từ Bộ Công thương, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường như Iraq, Malaysia, Philippines và Bờ Biển Ngà đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, với giá trị và mức tăng tương ứng lần lượt là 85,5 triệu USD, gấp 2,5 lần; 138,2 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần; 183,4 triệu USD, tăng 76,8% và 66,4 triệu USD, tăng 16,8%. Trong khi đó, dù chiếm 26,8% thị phần nhưng nửa đầu năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc lại chỉ đạt 891.000 tấn, tương đương 474,8 triệu USD, giảm 27,4% về khối lượng và giảm 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, lâu nay lượng gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là gạo nếp với thị phần lên tới hơn 80%. Tuy nhiên, hiện nay lượng gạo xuất sang Trung Quốc bị giảm là do từ tháng 7-2018 nước này tăng thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch với gạo nếp từ 5% lên 50%, khiến xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này giảm mạnh và giá xuất khẩu cũng giảm 50 - 60 USD/tấn so với trước khi áp thuế, hiện xuống còn 425 - 435 USD/tấn. Còn với gạo trắng 5% tấm, Bộ NN-PTNT cho biết, trong nửa đầu năm, chủ yếu chỉ xuất sang thị trường Indonesia và Philippines. Không chỉ tăng thuế áp dụng cho mặt hàng gạo nếp, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do thị trường này tăng cường kiểm soát nhập khẩu và nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết, khi Trung Quốc điều chỉnh thuế đối với các thị trường nhập khẩu thuộc khu vực ASEAN (trong đó có Việt Nam), một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã phản ánh tình hình bắt đầu có những khó khăn nhất định. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực là gạo nếp sang Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại do có ít hợp đồng mới, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó. Một số doanh nghiệp kêu gọi người dân chuyển đổi từ lúa nếp sang lúa thường để giảm bớt khó khăn và phải đa dạng hóa mặt hàng, thị trường như sang Trung Đông, châu Phi để không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Đưa gạo sang Trung Quốc theo đường chính ngạch

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nguyên nhân cơ bản khiến xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm là do từ năm 2017, Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu gạo, giảm từ 150 doanh nghiệp xuống chỉ còn 22 doanh nghiệp. Đến đầu năm 2018, có 3 trong số 22 doanh nghiệp này lại bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.

Mấu chốt của việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát nhập khẩu gạo từ Việt Nam là vì lâu nay, hoạt động xuất nhập khẩu gạo giữa Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, khó kiểm soát, họ muốn tăng cường kiểm soát biên giới để hướng tới nhập khẩu chính ngạch nhằm quản lý chất lượng, tránh thất thu thuế. Đây là yêu cầu tất yếu trong quản lý an toàn thực phẩm và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Do đó, để tiếp tục khai thác lại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải xem lại năng lực của mình trong việc tuân thủ yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Chỉ những doanh nghiệp có đầu tư bài bản mới làm ăn được lâu dài. Và hướng tới xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch sang Trung Quốc là hoạt động lâu dài, ổn định mà các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm.

Theo Bộ Công thương, để tăng cường kết nối, vừa qua bộ này đứng ra làm cầu nối, mời 15 doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam để bàn về xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch. TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ tới 140 triệu tấn lúa gạo, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường nước này. Bàn về chất lượng gạo đủ đáp ứng theo yêu cầu của Trung Quốc, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, chất lượng gạo của Việt Nam vẫn được đánh giá tốt. Vừa qua, Việt Nam đã trúng thầu xuất khẩu gạo Japonica sang Hàn Quốc nên Trung Quốc chắc chắn sẽ ưa chuộng gạo Việt Nam, vả lại nước này cũng không sản xuất đủ lượng gạo để tiêu thụ nên phải trông đợi nhập khẩu.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 vẫn đạt trị giá cao nhưng cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp. Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xúc tiến xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch, đồng thời nỗ lực tìm thêm các thị trường mới, tránh lệ thuộc thị trường Trung Quốc.

Theo SGGP