Ông đã gần 100 tuổi, cơ chân teo không di chuyển được, chỉ ngồi một chỗ, muốn đi lại phải có người dìu, cõng. Tuy vậy, trí nhớ của ông vẫn còn khá minh mẫn nên cứ nằng nặc đòi về quê, chú tôi phải bỏ công việc kinh doanh để đưa ông về.

Chú bảo, ở Đà Lạt khi đặt vé máy bay và trình bày về tình trạng của ông, đại lý vé máy bay đã phối hợp với sân bay tổ chức đón ông rất chu đáo, họ đưa xe đến tận nhà, có xe đẩy chuyên dụng, chú chỉ cần bế ông lên xe đẩy và mọi việc khác đã có nhân viên sân bay trợ giúp. Đến nhà ga sân bay Liên Khương, ông được đẩy đến khu vực dành cho người khuyết tật, bệnh tật để đẩy lên máy bay. Chú tôi chỉ việc xách hành lý đi sau nên đỡ vất vả. Đến Sân bay Phú Bài, chú hỏi nhân viên về xe đẩy chuyên dụng nhưng không có nên đành cõng ông từ máy bay xuống xe vận chuyển ra nhà ga. Vừa cõng vừa xách hành lý, thấy thế nên có hành khách xách giúp, nếu không còn vất vả hơn.

Nghe chú kể, tôi nhớ trong chuyến du lịch Đà Lạt cách đây không lâu, có hai vợ chồng nọ khá lớn tuổi, người vợ bị thương ở chân nên di chuyển khá khó khăn. Khi đi từ tầng 1 lên tầng 2 ở Sân bay Phú Bài để chờ lên máy bay, cả đoàn người dồn ứ lại đợi đôi vợ chồng nọ. Họ thấy ái ngại nên tự động đứng nép sang một bên nhường đường cho hành khách. Đến khi ra sân bay họ cũng là người lên sau cùng, dù vẫn kịp giờ bay nhưng nhìn mồ hôi đầy trán hai vợ chồng, tôi đoán là họ đã khá khó khăn khi di chuyển.

Đến sân bay Liên Khương, khi đi qua hai vợ chồng nọ, tôi nghe tiếp viên và nhân viên mặt đất trao đổi với ông bà về việc sẽ hỗ trợ họ xuống máy bay bằng xe đẩy. Không lâu sau đó, khi đợi người nhà đến đón, chúng tôi thấy bà được đẩy ra xe chuyên dụng của sân bay. Gương mặt của ông bà lúc đó vừa tươi tỉnh, vừa cảm kích.

Hỏi về phí dịch vụ đưa xe đẩy đến đón tận nhà, chú bảo chưa tới 200 ngàn đồng, trong khi quãng đường từ TP. Đà Lạt về sân bay Liên Khương xa hơn từ TP. Huế về Sân bay Phú Bài khoảng 10km, nhưng điều đó không làm chú lăn tăn mà còn rất hài lòng về cung cách phục vụ của nhân viên sân bay...

Tôi thì nghĩ đó không đơn thuần là dịch vụ mà còn là việc làm nhân văn, giúp bệnh nhân và người nhà, người già cả, khuyết tật bớt khó khăn khi buộc phải di chuyển, đi lại bằng phương tiện máy bay. Cũng chợt nghĩ, giá như Sân bay Phú Bài và nhiều sân bay khác nữa có thể triển khai dịch vụ xe đẩy để hỗ trợ những hành khách đi lại khó khăn, chắc chắn sẽ thu hút ngày càng nhiều hơn hành khách di chuyển bằng đường hàng không và hình ảnh hàng không Việt Nam sẽ thân thiện, đẳng cấp hơn trong mắt khách du lịch quốc tế.

Hồng Tâm