Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: B.H.T

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự chủ động đổi mới của Thường trực HĐND 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ trong hoạt động giám sát.

Khẳng định, giám sát của HĐND là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước ở địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu HĐND các tỉnh cần chú trọng từng công đoạn trước, trong và sau giám sát chuyên đề; từ việc lựa chọn nội dung giám sát đến lựa chọn chủ thể giám sát, thời điểm giám sát, thành viên tham gia.

Những vấn đề tồn tại, hạn chế ở các nội dung giám sát phải có địa chỉ cụ thể và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; nếu tồn tại, hạn chế chỉ phản ánh một cách chung chung thì cũng giống như "tiếng trống đánh vào không trung". 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhấn mạnh yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát nói riêng, đó là chất lượng đại biểu HĐND. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đại biểu bằng nhiều hình thức khác nhau. Về phía Quốc hội cũng đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng, nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu dân cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu trong thời gian tới.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị         Ảnh: BHT

Với tinh thần đó, tại hội nghị, ngoài nhấn mạnh tăng về số lượng các cuộc giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung bộ cũng đã khẳng định việc lựa chọn nội dung giám sát được trăn trở, đảm bảo “trúng” các vấn đề về kinh tế - xã hội mà cử tri và các đại biểu HĐND quan tâm; đồng thời phải và “đúng” thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND và đúng đối tượng giám sát.

Mặt khác, lựa chọn nội dung giám sát tránh trùng lặp với các cơ quan trong hệ thống chính trị cấp Trung ương và cùng cấp.

Theo đó, các nội dung được lựa chọn giám sát đều là những vấn đề quan trọng gắn việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và sát với sản xuất, đời sống của người dân, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền.

Tỉnh Thừa Thiên Huế với điển hình là giám sát về tình hình, kết quả sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đã có Nghị quyết về việc thu hồi các dự án chậm tiến độ trên địa bàn; đến nay đã có 12/24 dự án bị thu hồi, giám sát đặc biệt 29 dự án và đôn đốc thực hiện 296 dự án.

Phó Chủ tịch THường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế- Cái Vĩnh Tuấn phát biểu tham luận tại hội nghị     Ảnh: BHT

Tại Nghệ An là các chuyên đề giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác quản lý, thực hiện các dự án sử dụng đất đô thị trên địa bàn tỉnh; công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Tỉnh Thanh Hóa lựa chọn giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; việc chấp hành pháp luật trong bảo vệ môi trường...

Tỉnh Quảng Bình với điểm nhấn là giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý hành chính về vi phạm ATGT.

Tỉnh Quảng Trị thì tập trung hàng loạt các chuyên đề về tình hình quản lý, sử dụng các loại đất trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh lựa chọn nội dung, HĐND các tỉnh cũng quan tâm đổi mới phương thức, cách làm, hình thức giám sát; đặc biệt là mở rộng thành phần tham gia giám sát thông quan phát huy vai trò của các Tổ và đại biểu HĐND tỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát. 

Hội nghị giao ban được tổ chức thường niên nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND trên các lĩnh vực; chia sẻ những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn và đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề…

Thái Sơn