Trong các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị vùng, quốc gia đều khẳng định: Thừa Thiên Huế và đô thị Huế là 1 trong 6 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Tỉnh xác định mục tiêu cụ thể là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao - ảnh Võ Nhân |
Những tiêu chí quan trọng đã cán đích
Thưa ông, HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết Đề nghị công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị loại I, theo ông, nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với tiến trình đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Đến nay, chúng ta đã hoàn thành cơ bản đề án, được tư vấn nghiên cứu đánh giá khá kỹ. Sau khi làm việc với Bộ Xây dựng, đề án này được trình HĐND tỉnh thông qua. Đây là bước quan trọng của tiến trình xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một điều kiện đủ trong tiến trình. Kết quả vừa rồi đã thể hiện chất lượng của đô thị, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong giai đoạn vừa qua liên tục triển khai các “Năm đô thị”, đã mang lại hiệu quả quan trọng, tập trung đúng hướng và tạo nên chuyển biến về chất lượng đô thị.
Trong những tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chúng ta đã đạt những tiêu chí nào, tiêu chí nào chưa đạt, những tiêu chí nào cần nỗ lực để hoàn thiện, thưa ông?
Đến cuối năm 2013, trên cơ sở phân tích, đánh giá, đối chiếu theo 06 tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị được quy định của Bộ Xây dựng và Chính phủ về việc phân loại đô thị, tổng số điểm phân loại đô thị Thừa Thiên Huế đạt 79,1/100 điểm, đủ điều kiện để công nhận Thừa Thiên Huế đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Những tiêu chí đã đạt và vượt thì rất là tốt, nhưng vẫn có những tiêu chí chúng ta chưa đạt. Chẳng hạn như chiếu sáng đường phố, ngõ hẻm, tỷ lệ ống thoát nước, thu gom xử lý rác, thu nhập bình quân đầu người. Có thể ở TP Huế đã đạt, nhưng Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An… chưa đạt. Do đó, dẫn đến tổng quan chưa đạt các tiêu chí đó. Hoặc về tiêu thụ điện chúng ta chưa đạt, nhưng những cái đó sẽ phát triển không khó trong tương lai và chúng ta đã có kế hoạch cụ thể cho những năm sắp tới.
Một góc đô thị Huế nhìn từ Khách sạn Mondial. Ảnh: Hạnh Nhi |
Ngoài ra, có 3 tiêu chí không đạt nhưng lại là tiêu chí đặc thù. Ví dụ như mật độ dân số quy định hơn 12.000 người/1km2, chúng ta mới chỉ có 6.171người/km2. Hoặc là đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường nhưng yêu cầu lòng đường phải rộng 11m trở lên thì sẽ phá vỡ di tích hoặc tốc độ tăng dân số bình quân của chúng ta đạt 1,2%, trong khi quy định phải 1,6%-2,0%/năm. Với những tính chất là đô thị di sản văn hóa thì không thể phát triển đông dân, không thể xây dựng nhà cao tầng, mật độ xây dựng không thể quá cao, không thể tăng trưởng dân cư ồ ạt. Nếu vậy sẽ phá vỡ kiến trúc cảnh quan. Muốn xây dựng đô thị du lịch, sinh thái thân thiện với môi trường thì phải mật độ nhỏ, như vậy chúng ta đã tính toán mức điểm thấp nhất của khung điểm. Chúng tôi đã làm việc với các bộ ngành, họ cũng đã đồng ý với cách tính này.
Những yếu tố đặc thù của đô thị di sản
Ông vừa nói đến yếu tố đặc thù của một thành phố trực thuộc trung ương, vậy ngoài đặc thù vừa nói thì những đặc thù khác của Thừa Thiên Huế là gì, thưa ông?
Khu vực đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai được đánh giá theo các tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương, bao gồm: 27 phường của TP Huế, 5 phường nội thị TX Hương Thủy, 7 phường nội thị TX Hương Trà và thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận (thuộc thị trấn Thuận An mở rộng). Các đô thị vệ tinh gồm 7 thị trấn đã và đang phát triển (Phú Lộc, Sịa, Phong Điền, A Lưới, Khe Tre, Phú Đa và Lăng Cô) được đánh giá theo các tiêu chuẩn đô thị tùy thuộc vào thực trạng phát triển. |
Thừa Thiên Huế là đô thị di sản văn hóa, đô thị cố đô còn giữ được khá nguyên vẹn và đô thị di sản văn hóa thì nó sẽ khác đô thị công nghiệp. TP Hồ Chí Minh là Trung tâm phát triển kinh tế, đô thị công nghiệp, Hà Nội là thủ đô, đô thị hành chính. Các đô thị như Đà Nẵng, Hải Phòng cũng phát triển công nghiệp. Nhưng với Thừa Thiên Huế, tỷ trọng dịch vụ, du lịch đạt trên 50%, và có rất nhiều di sản, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn… Hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương phát triển kinh tế, theo hướng tăng trưởng xanh, chúng ta đang xây dựng TP Huế trở thành “Green city”- thành phố xanh thì nó đảm bảo các tiêu chí này. Đây là đặc thù duy nhất bởi muốn giữ di sản thì không thể đô thị hóa theo hướng hiện đại nhà cao tầng mật độ xây dựng cao sẽ phá vỡ cảnh quan. Đặc thù có lợi này theo nhiều chuyên gia đánh giá chỉ có Huế mới làm được, mới giữ được Huế. Đây là 2 vấn đề ràng buộc nhau.
Huế xưa nay vẫn là đô thị hạt nhân vì nó là tỉnh lỵ. Huế đã lên đô thị loại 1 từ 2005. Tiêu chí loại 1 của nó rất mạnh. Các xã ven Huế đều phát triển và đô thị hóa nhanh. Các vùng Thủy Phương, Hương An, Bao Vinh, Phú Thượng… là những khu vực lan tỏa của đô thị Huế. Những khu vực ấy là phần không thể thiếu được trong quá trình phát triển đô thị Huế. Cái chúng ta đang xác định nội thị gồm Huế, Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An là nội thị theo hướng kết nối chùm đô thị. Những kết nối đã có tác động rất lớn và làm nhiệm vụ phát triển mà không thể thực hiện tại Huế.
Hầu như đô thị nào cũng có nông thôn, có đô thị mà nông thôn chiếm 40%-50%, ngay cả TP Hồ Chí Minh cũng vậy, đều có ngoại ô và nội ô. Hà Nội hiện nay nông thôn chiếm đến 60%. Cho nên việc chúng ta có cả đô thị và cả nông thôn là chuyện đương nhiên. Chúng ta hiện nay đã đô thị hóa trên 50% rồi, với đà này cuối năm 2014, tỷ lệ đô thị sẽ xấp xỉ 60%.
Thưa ông, vấn đề liên kết giữa đô thị hạt nhân với đô thị vệ tinh đã được tỉnh chú trọng như thế nào?
Thực chất đô thị hiện nay có nhiều xu hướng. Có xu hướng là siêu đô thị, nhưng cũng có xu hướng tập hợp đô thị. Tập hợp đô thị là một tập hợp có nhiều đô thị liên kết với nhau bằng những xa lộ, như xa lộ thông tin, giao thông công cộng, kết nối điện, nước và nối với nhau bằng những mảng xanh. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không phải phát triển xây dựng công trình dày đặc kết nối giữa các đô thị. Ta có đặc thù là diện tích khá rộng, nhưng tỷ lệ rừng che phủ lại chiếm đến 57%, tỷ lệ nước đầm phá, biển rộng lớn là một yếu tố tốt về môi trường bền vững mà nhiều nơi muốn mà không thể có được. Trong diện tích đất còn lại chúng ta đã phát triển tương đối phù hợp. Chúng ta tập trung phát triển về giao thông theo hướng kết nối. Ví như đường lên A Lưới đang mở rộng; tuyến Quốc lộ ở Phong Điền, Phú Lộc đang mở rộng, về Sịa sẽ có đường Nguyễn Chí Thanh khởi công đầu năm 2014. Tuyến kết nối các đô thị vệ tinh khác như Thuận An, Hương Thủy, Nam Đông đã và đang hoàn thành. Các đô thị vệ tinh sẽ phát triển theo từng chương trình phát triển riêng của mình kết hợp với chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Như vậy, từ lõi hạt nhân của từng đô thị vệ tinh sẽ phát triển đô thị ra và sau đó càng phát triển thì tốc độ đô thị hóa sẽ cao hơn.
Và ưu tiên của năm 2014
Trong năm 2014 Thừa Thiên Huế sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội đề án đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay chúng ta đã có những bước chuẩn bị gì, thưa ông?
Cái quan trọng để khẳng định được hướng đi đúng là 20 năm trước Bộ Chính trị, Chính phủ đã đặt ra vấn đề này. Vị thế, vị trí địa chính trị, tầm ảnh hưởng của Huế của chúng ta không phải cho tỉnh mà là cho cả khu vực, cho đất nước là điều kiện quan trọng để thành lập một thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng trước đây chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội. Kết luận 48 vẫn khẳng định vấn đề này. điều kiện quan trọng nhất, đó là vị thế, địa chính trị, tầm vóc, lịch sử hình thành, ý nghĩa và tính chất của đô thị Huế của chúng ta đối với sự phát triển chung cần phải như vậy. Đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta phải tập trung bảo vệ, còn việc thiếu một số tiêu chí thì trong quá trình phát triển sẽ tiếp tục bổ sung.
Năm 2014 đã cận kề, vậy tỉnh sẽ ưu tiên và tập trung những yếu tố nào nhất cho tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Năm 2014 tiếp tục khẳng định là “Năm đô thị”. Trong năm nay, chúng ta sẽ duy trì một tốc độ phát triển kinh tế phù hợp song song với đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng tập trung cho công tác năm đô thị có chỉnh trang đô thị kết hợp với xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Thứ hai, tập trung cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế. Hạ tầng kỹ thuật có tác động đến đô thị, nhưng hạ tầng kinh tế để tạo nguồn lực phát triển, tạo năng lực phát triển cho những năm sắp tới. Để làm được điều này, tỉnh chỉ đưa ra 3 chương trình trọng điểm. Đó là chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phát triển du lịch và Festival 2014; xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Các dự án trọng điểm của năm 2014 cũng rất rõ: về chỉnh trang đô thị, về phát triển công nghiệp, về phát triển du lịch và đặc biệt tập trung cho dự án nâng cấp Quốc lộ 1A tạo huyết mạch nối kết với các đô thị và nối kết với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; tập trung cho Chân Mây - Lăng Cô khởi công xây dựng bến cảng số 2, thu hút nhiều doanh nghiệp để tạo nguồn lực mới. Năm nay Thừa Thiên Huế có rất nhiều điều kiện để phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ thông qua tổ chức Festival Huế 2014 và các sự kiện khác. Về công nghiệp, tập trung hỗ trợ cho các đơn vị đi hoạt động: Nhà máy xi măng Đồng Lâm, Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi CP, dệt may Hương Trà, Công ty HbI (giai đoạn 3), mở rộng Nhà máy bia Phú Bài, nhà máy sợi Phú Bài…, về đô thị tập trung các tuyến đường, các khu đô thị, khu dân cư mới, chỉnh trang công viên, điện chiếu sáng...đang tập trung triển khai là hướng phát triển kinh tế cho năm 2014.
Xin trân trọng cảm ơn ông!