IS vẫn là mối lo ngại lớn của toàn thế giới. Ảnh: AP

Đây là một trong những phát hiện chính trong một báo cáo mới của các quan chức chống khủng bố LHQ về các mối đe dọa mà IS đặt ra. Báo cáo cũng nêu rõ cách thức mà các nước thành viên LHQ và các tổ chức LHQ đang tiếp tục xúc tiến và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các công cụ và biện pháp nhằm giải quyết mối đe dọa xuyên quốc gia từ nhóm khủng bố IS và các chi nhánh của nó.

Theo ông Vladimir Voronkov, Phó Tổng thư ký Văn phòng chống khủng bố LHQ, mặc dù bị đánh bại ở Iraq và phải rút lui ở Syria, IS vẫn là mối lo ngại nghiêm trọng, vì những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, bất chấp sự suy giảm rất lớn về mặt lãnh thổ, vẫn còn khoảng 20.000 thành viên IS ở cả Iraq và Syria, với bộ máy nòng cốt được cho là vẫn sống sót và do những xung đột và bất ổn đang diễn ra ở các nước này. Một số lượng đáng kể các nhóm có liên kết với IS cũng đang có mặt ở Afghanistan, Đông Nam Á, Tây Phi và Libya, và một số ít ở Sinai, Yemen, Somalia và Sahel.

Thứ hai là nỗi lo từ các tay súng đã từng đến Iraq và Syria gia nhập IS trở về quê nhà. Những chiến binh này khi về nước có thể kích động và lôi kéo những người khác, dù trong hệ thống nhà tù hay ngoài xã hội rộng lớn. Thực tế, các nước có thể gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá những rủi ro mà những kẻ này đặt ra, và phải phát triển các chiến lược phù hợp cho việc quay trở lại và tái định cư của nhóm người này.

Và thứ ba, sự tiến hóa của IS từ một cấu trúc nhà nước thành một mạng lưới bí mật hoạt động ngầm khiến chúng khó bị phát hiện hơn. Hệ thống tài chính của chúng vẫn có khả năng chuyển tiền qua biên giới, thường xuyên qua các nước trung gian, trước khi đến hang ổ cuối cùng của tổ chức.

Nhấn mạnh rằng "cuộc chiến toàn cầu chống lại IS và các chi nhánh của nó vẫn phải được tiếp tục", Phó Tổng thư ký Voronkov khuyến khích các nước thành viên LHQ và cộng đồng quốc tế đổi mới các nỗ lực để chống lại sự phát triển và đe dọa từ IS.

Theo tin từ LHQ, một số cơ quan của tổ chức này đang hợp tác chặt chẽ với nhau để chống IS, giải quyết các lĩnh vực quan trọng như tài trợ khủng bố, hợp tác tư pháp quốc tế, truy tố hay cải tạo và tái hòa nhập cho những chiến binh trở về.

Cũng bàn về vấn đề này, bà Michèle Coninsx - Giám đốc Ủy ban điều hành chống khủng bố Liên Hợp Quốc (CTED) nói rằng, LHQ đang hỗ trợ các nước thành viên với các công nghệ tiên tiến nhất để giúp họ bảo vệ biên giới, cung cấp các hướng dẫn sử dụng hiệu quả các công nghệ mới nhằm tuân thủ đầy đủ luật nhân quyền quốc tế.

"Chúng tôi cũng tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác mới và sáng tạo với khu vực tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông", ví dụ như đối với việc thu thập bằng chứng kỹ thuật số trong các vụ khủng bố.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN News)