Chiều cuối tuần, tôi lên núi tìm thăm một ngôi chùa mà sư trụ trì là chỗ quen biết. Từ ngoài đi vào, gặp một đoàn du khách đi ngược trở ra, nói cười rộn rã. Tôi chắp tay chào sư trụ trì. Sư nở nụ cười đáp lại, nhưng vẻ mặt trông không được tươi. Chỗ thân quen nên chẳng cần khách sáo, vừa pha trà mời tôi, sư vừa mở lời:

-Bác có thấy đoàn khách vừa ra lúc nãy không. Họ đến vãng cảnh, mình là chủ, tiếp đón cho phải lẽ. Nhưng họ cứ chào "anh", rồi một tiếng "anh" cho hỏi, hai tiếng tại sao vậy "anh".... Thật lòng mà nói, nghe thật khó quen tai.

-Có lẽ họ là người vùng khác, hoặc chưa bao giờ đi chùa, nên không tường lối xưng hô.

-Người tu hành không cố chấp, nhưng tôi nghĩ đã có ý đi chùa thì cũng nên tìm hiểu trước lối xưng hô một tí. Tôi cũng từng ra bắc vào nam nhiều lần, tiếp xúc với công chúng nhiều tầng lớp, phật tử có, không phật tử có, nhưng ai cũng gọi mình là "thầy", là "sư", chưa thấy ai gọi là "anh" cả. Bữa nay chắc phải tập làm quen với danh xưng mới.- Ông vừa thủng thẳng nói, vừa mỉm cười ý nhị.

Cứ ngỡ khách xa đến người ta "lạ nước lạ cái" không biết lối xưng hô. Nhưng hóa ra, ngay ở Huế, nơi được mệnh danh là một trong những chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam, nơi mà nhiều nhà, nhiều người biết ăn chay, nơi mà bông trái vẫn ngập tràn các chợ mỗi dịp rằm, mồng một hàng tháng, hoà thượng vẫn bị gọi bằng..."anh", mà lại là ngay tại một cơ quan Nhà nước hàng tỉnh nữa mới buồn. Đó cũng là một hòa thượng mà tôi quen biết. Hôm ấy, có việc cần có chữ ký, con dấu của cơ quan hữu quan, ông được người quen chỉ cho về nơi cơ quan cần đến. Đến nơi, lại được người ta chỉ cho sang gặp một anh cán bộ trẻ. Nhìn thấy hòa thượng đang xớ rớ, anh cán bộ dõng dạc: "Anh đi mô, cần chi?". Thấy choáng, nhưng vì cần việc, hòa thượng nhũn nhặn trình bày lý do. Nghe xong, đồng chí cán bộ nọ lấy cho tờ mẫu, dõng dạc tròn vành rõ tiếng: "Anh về điền thông tin vô đây theo mẫu, phô-tô hộ khẩu, chứng minh rồi mang tới nộp." Hòa thượng cảm ơn, cầm tờ mẫu ra về mà rầu cho cách giao tiếp của một cán bộ đất Huế.

Nhưng như thế cũng chưa "vui" bằng chuyện của vị thượng tọa trụ trì một ngôi chùa khá danh tiếng ở Huế. Chuyện tôi được tận tai nghe ông kể. Nhân có một gia đình sống cạnh chùa chuyển đi sống nơi khác và có nhu cầu bán nhà. Thấy đó là một cơ duyên để mở rộng khuôn viên, tạo thêm không gian cho cho tăng chúng, phật tử tu tập, các tín chủ đã chung tay để nhà chùa có thể thành tựu được cơ duyên ấy. Thủ tục mua bán, chuyển nhượng giữa nhà chùa và gia đình nọ cứ theo trình tự mà thực hiện. Đại diện cho nhà chùa tất nhiên là thượng tọa trú trì. Trong quá trình thực hiện, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã tỉnh rụi bảo thượng tọa trú trì: "Ôn về địa phương làm cái giấy xác nhận đang còn độc thân hí!". Thủ tục liên quan đất đai nhà cửa bắt buộc nó thế, thượng tọa hay hòa thượng thì cũng phải chấp hành. Tuy nhiên, lẽ ra cần tế nhị giải thích trước, rồi tiến tới yêu cầu, chẳng hạn như: "Quy định pháp luật nó vậy, mong thầy thông cảm đáp ứng giúp...". Đằng này, độp cái bắt thượng tọa đi xác nhận "độc thân", với người tu hành khác gì một sự xúc phạm!

"Học ăn, học nói, học gói, học mở" là những điều tối thiểu mà tiền nhân luôn nhắc nhở cháu con phải để tâm để sau này có thể xuất xử, giao tế với đời. Người làm việc ở các cơ quan công quyền, ngày ngày tiếp xúc với đủ hạng người trong xã hội lại càng phải để ý "lời ăn, tiếng nói" nhiều hơn nữa. Ứng xử đúng cách, phải phép, chỉ cần như vậy thôi là hình ảnh của người cán bộ, và xa hơn là của chính quyền đã trở nên thiện cảm, dễ gần trong mắt công chúng rồi. Dân vận là đó, tôn giáo vận cũng là đó, cần gì phải xa xôi...

Thượng Bích