Ngày hội tân sinh viên năm 2018 ở Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế
Hòa nhập
Chỉ sau một tuần nhập học, Rcom H Mily, tân sinh viên Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế đã nhanh chóng hòa mình vào các sân chơi kỹ năng tại trường. Mily chia sẻ: “Trước khi nhập học, em bỡ ngỡ và lo nhiều thứ nhưng các anh chị tình nguyện viên đã hỗ trợ tìm chỗ ở, các địa chỉ ăn uống cùng nhiều vấn đề khác. Bây giờ em không còn rụt rè giao tiếp như ngày đầu mới đến trường”, Mily chia sẻ.
Năm nay, câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm ở các cơ sở giáo dục triển khai đợt tuyển thành viên sớm, tạo điều kiện để các tân sinh viên có môi trường sinh hoạt bên cạnh học tập. Theo nhiều tân sinh viên, tuy mới đăng ký tham gia CLB trong trường nhưng họ được anh chị khóa trên tận tình chia sẻ cách vượt qua khó khăn giai đoạn đầu xa nhà và trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết.
Hiện, sinh viên trúng tuyển đợt 1 đã hoàn thành thủ tục nhập học, đồng thời bước vào tuần sinh hoạt công dân và các hoạt động học tập chính khóa.
TS. Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chia sẻ, thời điểm mà tân sinh viên được xua tan cảm giác lạ lẫm, bỡ ngỡ là ngày hội tân sinh viên với nhiều hoạt động xuyên suốt từ sáng đến tối để họ hòa mình, trong đó có giao lưu các CLB, đội, nhóm; văn hóa văn nghệ, các trò chơi tập thể. Những hoạt động này để lại ấn tượng đẹp trong sinh viên và giúp họ mở rộng các mối quan hệ cũng như tình cảm với trường lớp, bạn bè, nhờ đó các em vui vẻ hơn khi bắt đầu học kỳ mới với phương pháp và mọi thứ đều khác so với học phổ thông.
Hỗ trợ nhiều mặt
Ưu tiên hỗ trợ cho tân sinh viên là chủ trương mà ĐH Huế cùng các đơn vị thành viên đưa ra. Theo ông Hồ Nhật Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế, trong năm học 2018 – 2019, trung tâm dành đến 700 chỗ ở cho sinh viên năm thứ nhất tại hai khu ký túc xá Trường Bia và Tây Lộc. Những trường hợp quá khó khăn, trung tâm cũng xem xét để miễn giảm.
Năm nay, các trường không chỉ tặng thưởng cho các thủ khoa mà còn vận động, kêu gọi các nguồn tài trợ để động viên, “tiếp sức” cho các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, ngoài các suất quà hỗ trợ ban đầu thì sau khi tân sinh viên vào học ổn định, các trường sẽ rà soát những trường hợp khó khăn để tìm các nguồn hỗ trợ, nhất là các học bổng dài hạn, học bổng toàn khóa.
Song song với hoạt động phổ biến quy định, phương pháp học chung cho sinh viên toàn trường trong tuần sinh hoạt công dân, các khoa chuyên môn ở một số cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế tổ chức riêng buổi gặp mặt tân sinh viên để tư vấn, giải đáp thắc mắc cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trong học tập và rèn luyện. “Một số khoa tại trường còn mời chuyên gia ở các doanh nghiệp về nói chuyện với tân sinh viên, định hướng nghề, đầu ra việc làm, các kỹ năng cần thiết nhằm hướng dẫn và tạo sự an tâm khi tân sinh viên mới bước vào giảng đường ĐH”, ông Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm nói.
Tại một số trường, Đoàn Thanh niên giao cho Liên chi đoàn các khoa hỗ trợ, giúp đỡ tân sinh viên. Theo đại diện Đoàn Trường ĐH Sư phạm, tân sinh viên thường có nhiều tâm tư và khó khăn. Với thuận lợi gần gũi sinh viên và nắm bắt mong muốn của họ, các đoàn viên sẽ động viên, chia sẻ và giúp đỡ kịp thời khó khăn về học tập cũng như trong sinh hoạt của tân sinh viên khi họ chưa quen với hình thức học tập mới và môi trường sống tự lập khi xa nhà.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cán bộ cố vấn, giảng viên, cán bộ thư viện tại một số đơn vị cũng hướng dẫn, tư vấn tài liệu, giáo trình cho sinh viên tham khảo, hỗ trợ cho mượn giáo trình chính để sinh viên học. Thông qua nhiều kênh khác nhau, các trường cố gắng nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của tân sinh viên nhằm tạo thuận lợi để các em bước vào năm học mới.
Bài, ảnh: Hữu Phúc