Nhiều ấp ủ, dự định thành hiện thực

Già cả, sống yên ổn trong căn nhà có diện tích đất trên 100m2 của cha mẹ để lại ở số 6/14/16 Đoàn Hữu Trưng (T.P Huế), nhưng mệ Nguyễn Thị Thu Hằng chưa yên lòng. Mệ lo, nếu để lâu không làm thẻ đỏ e xảy ra tranh chấp, lấn chiếm. Đất của mệ lại nằm trong diện quy hoạch “treo” từ nhiều năm nay. Cách đây mấy năm, một số gia đình lân cận rủ mệ cùng làm thẻ đỏ “dịch vụ”, mệ cũng ưng lắm, nhưng sợ tốn kém, không đủ khả năng.

Người dân đã không còn e dè trong việc kê khai đăng ký làm thẻ đỏ

Hôm tôi gặp ở UBND phường Phước Vĩnh là lúc mệ vừa bổ sung hoàn tất hồ sơ xin cấp thẻ đỏ để phường chuyển về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất T.P Huế xét duyệt. Mệ phấn khởi: “Tuy mới bước đầu, nhưng như rứa là yên bụng rồi. Nhờ làm tập thể, chỉ tốn mỗi tiền phô tô công chứng dấu đỏ, đóng tiền lệ phí trước bạ 0,5%, nên mệ xoay xở được. Chuyến này xong thẻ đỏ, mệ sẽ nâng nhà lên. Rồi mai mốt, sang nhượng cho đứa cháu đích tôn”, mệ Hằng chia sẻ.

Anh Hải, ở phường Thuận Lộc (T.P Huế) đeo đuổi chuyện làm thẻ đỏ 2 năm nay, có chủ trương đẩy nhanh tiến độ và làm thẻ đỏ tập thể, nên gia đình anh vừa không phải mất 30 triệu đồng theo chuyện làm thẻ đỏ “dịch vụ”, vừa sớm có được thẻ đỏ. Nhiều cái “hên” cộng lại, từ hôm đóng xong khoản thuế trước bạ gần 3,3 triệu đồng, cầm tờ giấy hẹn ngày lên “một cửa” nhận thẻ đỏ, cả nhà anh Hải vui như hội. Anh Hải nói chắc nịch: “Chuyến này lấy được thẻ đỏ, thế nào cũng phải đi thế chấp vay ngân hàng, xin giấy phép để xây nhà cho con, cho cháu có chỗ sinh hoạt, học hành ổn định”.

Những ngày giáp năm, ô cửa trả kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số thủ tục khác ở trung tâm “một cửa” đường Phạm Hồng Thái người đứng chen chân. Từ sớm, bác Hồ Văn Tám, ở tổ 8, khu vực 2, phường Hương Long, T.P Huế và rất nhiều người khác đã có mặt chờ nhận sổ đỏ. Cầm thẻ đỏ còn chưa ráo mực, bác mừng ra mặt. Đây là lần đầu tiên, bác Tám thực sự hạnh phúc khi trên tấm bìa đỏ in rõ, đúng tên, tuổi, địa chỉ và mảnh đất gần cả ngàn mét vuông mình sử dụng suốt mấy chục năm nay. Bác Tám hồ hởi: “Chuyến này tui về cắt bán bớt. Khỏe, rứa là làm được việc rồi!”.

Cùng một niềm vui chung, bác Nguyễn Văn Lợi, ở Thủy Châu (Hương Thủy) dù chưa có dự định gì cần đến tấm thẻ đỏ vừa được cấp, nhưng bác vẫn phấn khởi và trân trọng. Bác Lợi vui mừng: “Có “bìa đỏ” là yên tâm rồi, không sợ chuyện tranh chấp nữa. Gia đình tôi cứ rứa mà đầu tư canh tác, sản xuất trên mảnh đất của mình để có thêm thu nhập, ổn định đời sống và chăm lo việc học cho các cháu tới nơi tới chốn”.

“Mở rộng” cách làm, giúp dân bớt khó

Còn nhớ vào năm 2003, chủ trương làm thẻ đỏ đồng loạt đã được đẩy mạnh. Nhiều gia đình đã sở hữu được thẻ đỏ chính chủ. Qua thời gian với nhiều biến động về đất đai, số hộ chưa được cấp thẻ đỏ tăng lên, khiến tỷ lệ chung của cả tỉnh giảm xuống. Đầu năm 2013, sau gần 10 năm, chủ trương này được Quốc hội quan tâm và đề ra Nghị quyết 30 với mục tiêu tất cả các địa phương phải hoàn thành cơ bản cấp giấy chứng nhận các loại đất lần đầu đạt trên 90%. Thực hiện chủ trương này, cả hệ thống chính trị của Thừa Thiên Huế vào cuộc với quyết tâm “một tấc đất cũng phải có chủ”, “dễ làm trước, khó không bỏ”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện trong những cuộc họp liên quan cũng quyết liệt chỉ đạo các địa phương phải sâu, sát, không nên cứng nhắc, máy móc, mà phải tùy tình hình thực tế để hoàn thành nhiệm vụ cấp giấy, đảm bảo chính xác, thực chất, chuẩn về thủ tục và vận dụng đúng pháp luật. Ngay cả việc gây phiền hà, nhũng nhiễu, tắc trách cũng phải xử lý nghiêm, nếu yếu kém là điều chuyển.

Đặc biệt trong những tháng cuối năm, các địa phương từ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ đến chủ sử dụng đất đều rất sốt sắng. Chính quyền, đơn vị chức năng hết lòng tạo mọi điều kiện giúp dân, nghiên cứu, vận dụng nhiều văn bản, hướng dẫn để mở rộng nhiều hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho dân. Trước đây, ai có nhu cầu xin cấp thẻ đỏ mới đến xã, đến phường, thậm chí phải chạy chọt, nhờ vả. Nhưng nay, ban chỉ đạo cấp giấy của xã, phường lại về tận thôn, tận tổ đốc thúc, vận động nhân dân đi làm. Họ làm theo hình thức cuốn chiếu, rồi đến “làm vét” với những trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa bổ sung hoàn tất các thủ tục hay chưa mặn mà kê khai đăng ký.

Trước đây, do thông tin hạn chế, thủ tục phức tạp, quá trình cấp kéo dài và trong quá trình làm, cán bộ thực thi nhiệm vụ chưa nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc giúp dân. Nhiều người sinh ra nản chí, bất mãn. Nắm bắt tình hình, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, như hướng dẫn cấp giấy cho người đại diện trong trường hợp chưa xác định được đầy đủ những người được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật; miễn thu tiền sử dụng đất khi cấp thẻ đỏ cho các hộ dân chài, dân sống trên sông nước di chuyển đến định cư tại các khu tái định cư; cho ghi nợ tiền sử dụng đất... Thậm chí, những địa phương cấp cơ sở thiếu người, chậm tiến độ cấp giấy đã kịp thời được bổ sung các tổ giúp việc về trực tiếp hướng dẫn. Ngay việc chấn chỉnh lại tác phong, thái độ phục vụ nhân dân ở các cấp cơ sở cũng được kiểm tra, thanh tra, giám sát rốt ráo. Việc kiểm tra giải quyết hồ sơ, trạng thái hồ sơ cũng được công khai, minh bạch bằng cách nhắn tin, tra cứu trên máy quét... Với những đổi mới, cải cách này đã từng bước lành mạnh hóa, trong sạch hóa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.  

Đến thời điểm này, hàng chục ngàn hồ sơ tồn đọng, hồ sơ mới kê khai đăng ký cấp thẻ đỏ ở Thừa Thiên Huế đã được giải quyết. Các địa phương đã chạm đích chỉ tiêu giao với con số hơn 622.000 thẻ đỏ được cấp trên diện tích hơn 129.200 ha. Đây là thắng lợi lớn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giúp Nhà nước quản lý đất đai hiệu quả.

Bài và ảnh: Hoài Thương