Theo đó, liên quan đến việc UBND xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà), dự kiến thu mỗi hộ 300 nghìn đồng để tổ chức lễ hội đâm trâu vào tháng 11 tới, Cục Văn hóa cơ sở cũng yêu cầu địa phương tiến hành rà soát hồ sơ về nguồn gốc, quy trình tổ chức lễ hội đâm trâu trên địa bàn tỉnh, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc; không cấp phép tổ chức lễ hội đâm trâu mà không phải là lễ hội truyền thống, vì mục đích trục lợi cá nhân.
Đông bào dân tộc với nhiều lễ hội truyền thống đẹp
Cục Văn hóa cơ sở cũng đề nghị Sở VH-TT thực hiện nghiêm Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21-2-2018 của Thủ tướng về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018: “Nghiêm cấm việc thương mại hóa lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm” và các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh góp phần quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương tới nhân dân và bạn bè quốc tế.
Báo cáo gửi về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 10/9 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Như Báo Thừa Thiên Huế Online đã thông tin, trước đề xuất của các già làng, trưởng bản, UBND xã Hồng Tiến đã vận động thu 300 nghìn đồng/hộ để tổ chức lễ hội đâm trâu truyền thống, dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay. Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho rằng, đây không phải là chủ trương của UBND xã. Về việc đóng góp 300 nghìn đồng/hộ để tổ chức lễ hội đâm trâu, quá trình triển khai xã đã giao nhiệm vụ các trưởng thôn vận động và hộ nào không hưởng ứng thì không phải đóng góp chứ không bắt buộc.
Sau khi báo chí phản ánh, UBND thị xã Hương Trà đã có buổi họp khẩn với các ngành và chính quyền xã Hồng Tiến. Qua đó, địa phương này đã yêu cầu xã Hồng Tiến và bộ phận chức năng phải hoàn trả ngay tiền thu từ người dân và buộc dừng lễ hội này.
Tin, ảnh: Hà Nguyên