Ngành du lịch bằng tàu biển trong ASEAN có tiềm năng phát triển rất lớn. Ảnh: BT File
Theo số liệu từ ASEANStats, các ngành dịch vụ thu hút đáng kể lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực, đạt gần 50% tổng dòng vốn FDI trong 10 năm tính đến năm 2016.
Thương mại dịch vụ nội khối ASEAN cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Kể từ năm 2012, khối lượng thương mại dịch vụ nội khối ASEAN đã vượt quá 50 tỷ USD, với lĩnh vực dịch vụ được thiết lập để trở thành một trụ cột ngày càng quan trọng của tăng trưởng khu vực.
Là quốc gia giữ chức chủ tịch ASEAN năm 2018, Singapore đang nỗ lực để tăng cường thương mại dịch vụ trong ASEAN và giảm thiểu các trở ngại cho việc đầu tư, nhằm thúc đẩy ASEAN trở thành một điểm đến kinh doanh và đầu tư. Theo đó, cần chú trọng đến một số sáng kiến liên quan dưới đây:
* Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS)
Singapore đang làm việc chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN để hoàn thành gói cam kết thứ 10 theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), được ký kết vào năm 1995.
AFAS là một cam kết lâu dài theo Kế hoạch chi tiết AEC nhằm tăng cường tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN và dần dần giảm các rào cản đối với thương mại cho các nhà cung cấp dịch vụ. Gói thứ 10 là gói cuối cùng và đánh dấu một cột mốc quan trọng sau tiến trình 23 năm tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước thành viên ASEAN.
* Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)
Bước tiếp theo trong hành trình hội nhập các dịch vụ của ASEAN là đàm phán và thực hiện Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), các lĩnh vực dịch vụ tích hợp trong khu vực, tăng cường thương mại dịch vụ trong ASEAN và nâng cao khả năng cạnh tranh của các dịch vụ xuất khẩu. Hiệp định này sẽ bổ sung cho những nỗ lực liên tục nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực.
* Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)
Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN được ký kết vào năm 2009 và có hiệu lực từ ngày 29/3/2012, với mục đích tạo ra một môi trường đầu tư tự do và cởi mở trong khu vực.
ACIA bao gồm hầu hết các hình thức đầu tư, với các quy định tự do hóa cho các lĩnh vực chính bao gồm: sản xuất, nông nghiệp, ngư nghiệp, khai thác mỏ và khai thác đá, cũng như các dịch vụ liên quan đến các lĩnh vực này.
ACIA không chỉ bao gồm các nhà đầu tư ASEAN mà còn cả các nhà đầu tư nước ngoài có trụ sở tại các nước ASEAN, khiến cho khu vực trở nên hấp dẫn hơn đối với các khoản đầu tư nước ngoài.
* Tuyên bố ASEAN về Du lịch tàu biển
ASEAN có tiềm năng thu hút lên đến 4,5 triệu khách du lịch bằng tàu biển ở Đông Nam Á vào năm 2035 - tăng gấp 10 lần so với năm 2016.
Nhu cầu ngày càng tăng về du lịch tàu biển sẽ thúc đẩy các tiến bộ về cơ sở hạ tầng các cảng trong khu vực, tạo ra lợi ích cho ngành du lịch địa phương và các bên liên quan.
Là một phần trong nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm biến Đông Nam Á thành một điểm đến du lịch sôi động, Tuyên bố chung về Du lịch tàu biển đã được chính thức thông qua vào tháng 1/2018.
Tuyên bố vạch ra các cam kết của ASEAN trong việc phát triển hơn nữa du lịch bằng tàu biển bằng cách cải thiện các chính sách và quy định, nâng cao hiệu quả trong các quy trình quản lý, cũng như thúc đẩy kinh doanh công bằng và có trách nhiệm hơn.
Lợi ích của các hiệp định: AFAS và ATISA sẽ giúp ngành thương mại dịch vụ hoạt động tự do hơn trong khu vực, đồng thời tạo ra một môi trường ổn định và dễ dự đoán hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ. ACIA tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở hơn trong khu vực bằng cách cải thiện tính minh bạch trong các cam kết của ASEAN. Trong khi đó, Tuyên bố ASEAN về Du lịch tàu biển nêu rõ các cam kết của ASEAN trong việc phát triển du lịch tàu biển bằng cách cải thiện sự rõ ràng của các chính sách và quy định, nâng cao hiệu quả trong các quy trình quản trị, cũng như thúc đẩy kinh doanh một cách công bằng và có trách nhiệm hơn. |
Bảo Nghi (Lược dịch từ Business Times)