Gần 1 tháng sau khi xảy ra trận động đất đầu tiên tại đảo Lombok của Indonesia, hàng trăm nghìn người dân trên đảo phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", không có đủ thức ăn, chỗ ở và nước sạch. Hàng loạt trận động đất và dư trấn xảy ra tại hòn đảo du lịch này khiến hoạt động cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân đang tự “cứu” lấy mình.

Sau khi xảy ra trận động đất tại đảo Lombok của Indonesia, một ngày của người thợ mộc Ahmadi dường như dài hơn. Anh thức dậy từ sáng sớm, cầm rựa đi chặt những cây tre quanh làng, mang về dựng nhà tạm cho người dân. Làng Teluk Kodek của anh Ahmadi nằm ở đảo Lombok, bị tàn phá nặng nề trong trận động đất. Còn anh là 1 trong hai thợ mộc duy nhất trong làng.

Người dân bên cạnh những ngôi nhà đổ sập sau trận động đất. Ảnh minh họa: KT

 “Tôi làm những căn nhà tạm cho gia đình và bạn bè trong làng. Không ai trả công cho tôi, tôi chỉ cố giúp đỡ mọi người. Tôi làm nhà tạm bằng tre vì loại nhà này đơn giản. Hơn nữa, chúng tôi cũng chẳng còn gì để dựng lại nhà”, dnh Ahmadi chia sẻ.

Dân làng Teluk Kodek cũng như hàng trăm nghìn người khác trên đảo Lombok của Indonesia đang phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất". Loạt động đất và dư chấn mạnh diễn ra từ cuối tháng 7 kéo dài sang tháng 8 vừa qua khiến hơn 500 người thiệt mạng và gần 1.500 người bị thương. Bỗng chốc, hòn đảo Lombok biến thành đống đổ nát. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Khoảng 430.000 người dân, tương dương 10% dân số Lombok lâm vào tình cảnh vô gia cư.

Trước tác động lớn từ loạt trận động đất, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm đảo Lombok, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ, giúp xây dựng các ngôi nhà cho những gia đình bị mất nhà cửa.

"Tôi đã có một số thông tin về chi phí tái thiết. Tôi cam kết sẽ hỗ trợ mỗi gia đình 50 triệu Rupi, tương đương với 3.469 USD  để xây dựng lại nhà cửa.  Các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn, đối phó với thiên tai và quân đội đang tích cực phối hợp để thực hiện hoạt động sơ tán khách du lịch tại núi Rinjani”, Tổng thống Indonesia khẳng định.

Thế nhưng, đến nay, sự hỗ trợ của chính phủ dường như chưa đủ. Trong bài viết mới nhất về đảo Lombok, phóng viên David Lipson của hãng tin ABC miêu tả, 1 tháng sau khi xảy ra trận động đất đầu tiên, Lombok giống như một thiên đường du lịch bị hủy hoại trên quy mô lớn. Công tác dọn dẹp bị gián đoán do tác động của gần 1.000 dư trấn và trận động đất. Một số ngôi làng bị cô lập, khó tiếp cận. Người dân phải lượm lặt đồ dùng trong các đống đổ nát để sử dụng. Sân bóng, cánh đồng và bãi đậu xe trở thành nơi dựng nhà tạm. Khó khăn lớn nhất đối với người dân đảo Lombok là thiếu thốn thực phẩm, thuốc men và nước sạch.

Trong khi chính phủ Indonesia chưa thể tiếp cận những vùng bị cô lập, người dân địa phương đang cố gắng tự “cứu” mình. 

 “Nếu chúng tôi chờ đợi sự hỗ trợ từ chính phủ, chúng tôi sẽ phải chờ rất lâu. Chúng tôi tự giúp lấy mình hoặc phải chờ 6 tháng nữa”, anh Ahmadi (ở làng Teluk Kodek) cho biết.

Hiện nay, một số nhà hảo tâm đang chung tay hỗ trợ người dân đảo Lombok ổn định cuộc sống. Chủ một nhà hàng và câu lạc bộ ở Gili Trawangan, ông Brendan Muir, đã quyên góp 25.000 USD, cung cấp thực phẩm và nước uống cho người dân. Với chiến dịch kêu gọi trên trang facebook, ông Brendan Muir quyên góp thêm được 20.000 USD. Trong khi đó, 50 tình nguyện viên thuộc Quỹ Pituq đang vượt mọi khó khăn, phân phát nhu yếu phẩm cho người dân vùng hẻo lánh.

Theo VOV