Đầm Cầu Hai. Ảnh: Phạm Văn Vũ

Đầm Cầu Hai mênh mông sóng nước làm cách ngăn huyện Phú Lộc. Vào thời điểm tháng 8/1945, bên này lần lượt là các tổng An Nông, Lương Điền và An Cư, còn phía bên kia là Diêm Trường. Tháng 7 /1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, nhận thấy cơ sở cách mạng ở tổng Diêm Trường nói chung và làng Nghi Giang (xã Vinh Giang) nói riêng rất phát triển đã chuyển về hoạt động bí mật tại đây. Đặc biệt, ngôi nhà của đồng chí Lê Minh được chọn làm trụ sở lâm thời của Tỉnh ủy trong giai đoạn 1942 - 1945. Các tờ báo bấy giờ của Đảng bộ tỉnh như Vì nước, Vì dân…cũng được in ấn nơi này.

Nhiều cán bộ lão thành kể cho tôi nghe về hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên mở rộng hay còn gọi là hội nghị đầm Cầu Hai lịch sử, được tổ chức vào ngày 23/5/1945. Đó là thời điểm khắp nơi ở Thừa Thiên Huế dấy lên cao trào cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Chi bộ xã Vinh Giang (Phú Lộc) được giao nhiệm vụ đã huy động đò, ghe để tham gia bảo vệ hội nghị. Đặc biệt, gia đình ông Thuật ở vạn Nghi Xuân đã kết 2 chiếc đò lại với nhau để làm hội trường cho hội nghị có đến 28 đại biểu này. Hội nghị quán triệt chỉ thị của Trung ương Đảng, khẳng định thời cơ đã đến, chuẩn bị tổng khởi nghĩa và thành lập Mặt trận Việt Minh.

Gần 3 tháng sau hội nghị đầm Cầu Hai, ngày 14/8/1945, nhân dịp quần chúng ở tổng Diêm Trường đi xem hát rất đông ở rạp hát cải lương Hoàng Mạnh Biên (Vinh Mỹ), đội tự vệ do đồng chí Nguyễn Đình Sản chỉ huy bước lên sân khấu hô hào lật đổ chính quyền cũ, được Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Đã có nhiều chuyện kể về khí thế cách mạng hào hùng ở tổng Diêm Trường trong khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa Thu tháng Tám cách nay 73 năm. Đó là việc đội tự vệ của tổng đã 2 lần bắt giữ và tịch thu các đò thóc của Nhật ở chợ Hôm và chợ Phụng Chánh (Vinh Hưng) để chia cho dân nghèo. Đó cũng là hình ảnh đội trưởng Nguyễn Đình Sản đầy kiêu hãnh cỡi con ngựa tịch thu chỉ huy đội tự vệ lùng bắt bọn tay sai địch ở toàn tổng Diêm Trường làm nức lòng người dân.

Đáng nói là lần đầu tiên, đội vũ trang và Nhân dân tổng Diêm Trường đã có chuyến vượt đầm Cầu Hai để cùng Nhân dân các tổng An Nông, Lương Điền và An Cư khởi nghĩa giành chính quyền ở Huyện đường Phú Lộc. Đoàn gồm 2 cánh, một cánh do đồng chí Nguyễn Đình Sản phụ trách, kéo về chợ Vinh Hòa (Vinh Hiền) và các bến đò Nghi Giang, Chùa Ma ( Vinh Giang), vượt đầm Cầu Hai, đổ bộ lên đèo Phước Tượng ở bến đò Công Bộ. Một cánh do đồng chí Lê Cam chỉ huy, vượt đầm Cầu Hai đổ bộ lên phía bắc huyện Phú Lộc. Cả hai chuyến vượt đầm Cầu Hai đều thành công đúng như mong đợi.

Tôi đã có dịp ghé thăm bến đò Công Bộ ngày nào, nơi chân đèo Phước Tượng. Nhiều vị bô lão ở đây đã xúc động kể với tôi rằng, nhận được tin báo là nơi tập kết và hoạt động phối hợp với đoàn từ An Cư ra, người dân Lộc Trì và vùng Rẫm hầu như suốt đêm không ngủ. Còn ở phía bên kia, công tác chuẩn bị vượt đầm cũng diễn ra hết sức khẩn trương. Riêng ngư dân ở vạn Nghi Giang đã tập hợp được đến 50 chiếc đò để đưa người dân sang Phước Tượng tham gia giành chính quyền. Mỗi chiếc đò đều cắm cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng. Đội tự vệ mang theo súng ống và giáo mác, còn người dân thì vũ trang bằng gậy gộc. Tất cả cùng lên đường. Đoàn người vượt đầm giữa mênh mông sóng nước. Cờ hồng trước gió tung bay. Khí thế như thác đổ, sóng dồn.

Cuối cùng giờ thì G cũng đã tới, ngày 19/8/1945, các đoàn từ Diêm Trường đã vượt đầm sang Cầu Hai. Ở phía bắc, họ đổ bộ vào Truồi để hợp cùng đoàn của người dân 2 tổng An Nông và Lương Điền. Còn ở phía nam, hòa cùng người dân tại chỗ và từ An Cư ra. Cả hai cùng tiến bước, như 2 gọng kìm, nhằm hướng Huyện đường Cầu Hai. Họ đi giữa rừng người tề tựu đón chào ở hai bên Quốc lộ 1A. Tôi đọc lại lịch sử và xúc động. Tác phẩm “Tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945” của Viện Lịch sử Đảng viết: “Ở huyện Phú Lộc, đông đảo quần chúng trong huyện mang vũ khí thô sơ, băng cờ, khẩu hiệu từ An Cư ra, An Nông và Lương Điền về, từ Diêm Trường vượt đầm Cầu Hai sang khởi nghĩa ở huyện lỵ, lập chính quyền Nhân dân cách mạng”.

Mỗi lần có dịp vượt đầm Cầu Hai, tôi lại nhớ đến những dòng ghi chép kia, cô đọng mà như một chuyện kể hay thước phim sinh động. Tôi đã mường tượng những con đò rợp cờ và tiếng người hò reo giữa sóng nước mênh mang. Bao đời nay, nơi đầm Cầu Hai lộng gió này, đã có biết bao hành trình vượt sóng, nhưng có lẽ hào hùng và khó quên nhất là vào đúng cách nay 73 năm, đúng vào ngày giữa mùa thu Cách mạng Tháng Tám 1945.

Đan Duy