Buổi sáng đi tập thể dục về, bắt gặp một mệ già gánh mấy búp măng xuống chợ. Nhìn mấy búp măng bụ bẫm, bà vợ tôi không dứt ra được, thêm giọng mệ thủng thẳng mà đầy quyến rũ: “Măng rẫy, mệ mới bẻ đó, non hơn chi nữa, mua về mà hầm với vịt thì ngon phải biết. Mua đi o, may xưa, mệ bán rẻ...”. Vậy là không thể cầm lòng...

Nhìn bà vợ tẩn mẩn lật qua lật lại mấy búp măng, chợt nhớ bây chừ đã là tháng bảy âm lịch. Tháng này ở Hiền Lương quê tôi, theo phong tục, mọi người mới bắt đầu được hái măng. “Tháng bảy vua tha, tháng ba làng bắt tội”, câu nói ấy đã lưu truyền từ nhiều đời nay ở Hiền Lương, một miền quê hiền hòa nổi tiếng với nghề rèn truyền thống nép mình bên bờ bắc con sông Bồ quanh năm ắp đầy dòng nước mát lành.

Là một trong những ngôi làng Việt được thành lập từ rất sớm theo công cuộc Nam tiến của tiền nhân, cũng như nhiều miền quê khác, Hiền Lương không thể thiếu vắng sự có mặt của những lũy tre xanh. Tre giúp dân giữ đất giữ làng, tre giúp làm nhà dựng cửa; cuốc thuổng rựa dao cho chí đó nơm, thúng mủng, rá rổ, chõng giường... thảy đều nhờ tre. Vậy nhưng có dạo tre của làng bị chặt phá vô tội vạ khiến cho bị tàn lụi dần. Trước mối nguy đó, làng đã có sớ trình tấu và xin vua Minh Mạng ban cho làng “cơ chế” để bảo vệ lũy tre. Sớ của làng sau khi tâu trình về nạn tre bị chặt phá đã đề đạt và xin nhà vua chuẩn tấu: “Cứ tháng 3 hàng năm, bất cứ nhà nào trong làng hoặc giả các làng, xã khác quanh tổng Hiền Lương đều cấm ăn măng tươi, cấm chặt tre già”. Vua ngạc nhiên hỏi tại sao? Làng luận đại ý: Những cây măng mọc vào tháng 3, tháng 4 đều to khỏe, gặp thời tiết tốt sẽ phát triển thành những cây tre già rắn chắc, rất ích lợi cho nên cần phải bảo vệ. Việc chặt tre vào những tháng này cũng sẽ làm cho măng dễ bị hư hại nên cũng cần được ngăn cấm. Còn từ tháng 7 âm lịch cho đến hết năm thường hay xảy ra bão lụt, măng khó sống qua khỏi cơn tàn phá của trời đất, tre thì cũng đã già lão nên thời điểm này có thể cho phép ăn măng, chặt tre. Nếu ai vi phạm thì đều phải bị trị tội tuỳ theo mức độ. Người nào phát hiện được những kẻ vi phạm thì sẽ được trọng thưởng, cũng tuỳ theo mức độ. Vua Minh Mạng nghe có tình có lý đã ngợi khen và chuẩn tấu. “Tháng bảy vua tha, tháng ba làng bắt tội” từ đó trở thành một luật tục đẹp của Hiền Lương và được mọi người nhắc nhau tự giác chấp hành.

Theo thời gian và sự phát triển của công nghệ, nhiều loại vật liệu, vật dụng dần dần thay thế cho tre. Tre có thể đang lùi về “hàng thứ yếu”, vậy nhưng, khó có thể tưởng tượng được đời sống thiếu sự hiện diện của cây tre, làng quê Việt Nam thiếu vắng hình dáng của cây tre. Tre vẫn thế, ngàn đời tỏa bóng ôm ấp làng quê. Chở che, bảo vệ làng quê chống chọi với phong ba bão lũ. Hay hiền lành nâng niu cho những bí những bầu của mẹ yên tâm vươn chồi kết nụ dâng cho đời những lứa quả ngọt lành... Tre “ăn đời ở kiếp” với người Việt. Là hình ảnh quê hương, là hiện thân của cốt cách và tâm hồn Việt. Cho nên, dù xã hội có phát triển thế nào đi nữa, với nhiều người Hiền Lương quê tôi, cái luật tục “tháng bảy vua tha...” chắc hẳn vẫn sẽ mãi vọng vang như một lối ứng xử đầy nhân văn với lũy tre ân tình xứ sở...

HIỀN AN