Ngậm tăm và ngồi vách chân trên xe máy. Khạc nhổ bất chấp. Xả rác khi đang lưu thông. Đổ rác không đúng nơi và đúng giờ quy định. Ồn ào nơi công cộng. Chen lấn khi phải xếp hàng. Lấn làn và lấn tuyến khi đang chờ tàu. Đi muộn về sớm. Dành nhiều thời gian cho việc lướt mạng... Đó cũng mới chỉ là một vài trong số nhiều biểu hiện xấu xí mà chúng ta dễ bắt gặp trên đường phố. Cũng vì những điều này đã như là chuyện bình thường ở Huế như bất cứ nhiều nơi khác, nên cứ thấy điều gì đó lộm cộm trong đời sống hàng ngày. Có lẽ là vì tôi cứ mãi nghĩ về một vẻ đẹp Huế và tính cách Huế.

Có những điều thật không dễ khi cắt nghĩa khi bạn bè đồng nghiệp đến Huế hỏi về việc dân Huế siêng ngồi cafe hơn làm việc, thậm chí cả câu hỏi lại đầy cắc cớ là trong số đó có bao nhiêu người dùng một chỗ ngồi trong quán cafe để thảo luận với đối tác hay làm việc trên mạng. Tôi nhớ đến những buổi sáng lúng túng và loay hoay để nghĩ cho ra một chỗ ngồi đủ tử tế để mời khách đến từ xa dùng bữa sáng. Quán ngon thì đông khách và rất nhiều khi, người ta đã không kịp dọn dẹp lại “dư địa” mà người đi trước để lại với đủ thứ khó coi. Nhiều ông chủ bà chủ phân bua, quán có các giỏ rác nhỏ dưới chân nhưng khách không xài, anh/chị thông cảm giùm. Thông cảm chớ, nhưng ngại ngùng với đối tác quá chừng. Tôi cho đến giờ vẫn nhớ cảm giác xấu hổ của mình khi đưa một đoàn khách xuống ngắm biển phải “vượt” qua một trảng cát phấp phới và loi nhoi bao ni lông cũ mới các loại. Nhớ mình đã đỏ mặt khi có người “bắt thóp” nên động viên “Có sao đâu, chỗ nào cũng vậy mà. Tụi anh quen rồi!”

Có lẽ cũng vì những điều này nên tôi đã dùng nút like như những người đã like trước khi một cô bạn trẻ đã kể về việc chạy xe bám đuổi hai vợ chồng nhà nọ trên đường chỉ để hỏi người phụ nữ một câu về chuyện vì răng uống sữa xong lại vứt bịch xuống đường, cho dù sau đó bị người ta sừng cồ trở lại  là bị điên à và ưa chi? Giá như thành phố này có nhiều có cái điên dễ thương như cô bạn trẻ, Huế chắc sẽ ngày càng xứng danh là xanh sạch đẹp và là một quê hương của hạnh phúc.

Chuyện ứng xử, chuyện xả rác ngó bình thường vậy nhưng cũng cho thấy văn hóa ứng xử ở mỗi con người, nơi chốn và địa phương. Nếu tôi nhớ không lầm thì ít nhất, nó cũng được đặt ra vài lần trong diễn đàn thường kỳ của hội nghị Tỉnh ủy mà thông điệp và kỳ vọng của người nêu vấn đề chỉ là, nếu mỗi cán bộ, nhân viên làm gương và có trách nhiệm trong việc làm sạch phần đường trước nhà mình, diện mạo của thành phố chắc sẽ đẹp hơn vì sức lan tỏa của nó.

Có một tin thật là vui khi đề án "Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt. 325 tỷ đồng của dự án này sẽ được phục vụ cho nhiều mục tiêu tổng quát, trong đó có việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ môi trường hiệu quả... Cùng với sự kỳ vọng về một sự thay đổi để Thừa Thiên Huế tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch, điều mà không ít người mong muốn là sẽ có một sự thay đổi từ nhận thức đến hành vi ứng xử để trước khi là đô thị thông minh, phải là và đồng thời là những công dân văn minh.

Minh Hà