Sau 5 năm nữa, điện Kiến Trung – nơi lưu dấu sự kiện lịch sử của những nhân vật lịch sử như vua Minh Mạng, vua Duy Tân, vua Khải Định và cuối cùng là vua Bảo Đại, sẽ lại nguyên hình như chưa từng bị san phẳng trong chiến tranh.
Điện Kiến Trung thời vàng son
Điện Kiến Trung nằm trên mảnh đất sau cuối của Tử Cấm Thành - Đại Nội, Huế. Theo tư liệu lịch sử về nhà Nguyễn, dưới thời vua Minh Mạng, có tên là lầu Minh Viễn (1827 – 1876). Đến thời vua Duy Tân, công trình được kiến tạo và mang tên Du Cửu (1913 – 1916). Kiến Trung là tên được vua Khải Định đặt từ năm 1916. Năm 1921, điện Kiến Trung được vua Khải Định xây dựng mới và vẫn giữ nguyên cả dưới thời Bảo Đại, cho đến khi bị hủy hoại vào năm 1947 và trở thành phế tích, chỉ còn nền móng cho đến nay.
Trải qua nhiều giai đoạn và nhiều chủ nhân khác nhau, mảnh đất nơi điện Kiến Trung đứng chân chứng kiến nhiều sự thay đổi của công trình, cả về kiến trúc lẫn chức năng sử dụng. Nguyên thủy, từ Minh Viễn đến Du Cửu, lầu gỗ chỉ là nơi trú ngụ và ngắm cảnh chỉ của các vua. Đến thời vua Khải Định, điện Kiến Trung trở thành nơi ở và làm việc chính của vua Khải Định. Sau cùng đến thời vua Bảo Đại, điện Kiến Trung còn được bố trí không gian giải trí, trưng bày riêng như những dinh thự phương Tây. TS. Trần Minh Đức, nguyên giám đốc Phân viện KHCN và xây dựng miền Trung, cho rằng, điện Kiến Trung là nơi chứng kiến sự ra đời, quá trình vận hành, cũng như sự thất bại hoàn toàn về chính sách trị quốc của một trong những ông vua cuối cùng của chế độ quân chủ tại Việt Nam.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đây là nơi vua Bảo Đại thỏa thuận với đại biểu Chính phủ Việt Minh về thủ tục thoái vị, là nơi vua ra “Chiếu thoái vị” với tuyên bố nổi tiếng: “Thà làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”. TS. Trần Minh Đức nhấn mạnh: “Nếu so sánh trên quan điểm lịch sử, điện Kiến Trung có thể sánh ngang với dinh Độc Lập ở Sài Gòn. Cả hai đều là nơi nhân dân lao động Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản giành lại độc lập dân tộc và chế độ dân chủ. Chỉ là, nơi kia quân đội cách mạng tiến vào trên xe tăng, còn ở điện Kiến Trung thắng lợi của cách mạng đã đến trong sự bình yên, không tiếng súng. Chỉ với ý nghĩa lớn lao của giá trị lịch sử cũng đã đủ tạo nên sự cần thiết cho việc phục dựng di tích”.
Do điện Kiến Trung bị triệt hạ hoàn toàn và gần như không có công trình tương tự theo kiểu “kiến trúc châu Âu, trang trí truyền thống”, nên từ 5 năm trước các nhà khoa học đã phải thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu nhằm xác định rõ giá trị của di tích, không gian sử dụng, kích thước công trình, phong cách kiến trúc – mỹ thuật, kết cấu, vật liệu. Để có cơ sở khoa học phục hồi điện Kiến Trung, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã căn cứ vào các bài nghiên cứu trên Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế BAVH, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Châu bản Triều Nguyễn, bài nghiên cứu của các tác giả: Phan Thuận An, Phan Thanh Bình, Nguyễn Bá Chí, Daniel Grandclément, Nguyễn Đình Đầu, Phạm Khắc Hòe, Trần Huy Liệu, L. Cadière, Lý nhân Phan Thứ Lang, Nguyễn Hữu Thông... và kết quả
Điện Kiến Trung thời vàng son
Nghiên cứu thực tế phế tích công trình.
Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác, Trung tâm BTDTCĐ Huế đầu tư dự án phục hồi điện Kiến Trung với mức kinh phí 123 tỷ đồng (tương đương 5,5 triệu USD); trong đó, có 23 tỷ đồng dành cho dự phòng. Sau 5 năm, công trình sẽ được hoàn thiện tổng thể từ kiến trúc đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, đặt trong thế so sánh với các khu di sản trên thế giới, nếu Hàn Quốc đầu tư phục hồi cổng Nam Đại Môn (cổng chính của cung Hán Thành, bị đốt cháy 2008) gần 30 triệu USD, Nhật Bản đầu tư phục hồi cửa Chu Tước Môn (cổng phía nam của thành Nara) hết hơn 20 triệu USD, thì mức kinh phí khoảng 5,5 triệu USD để trùng tu phục hồi điện Kiến Trung đồ sộ và phức tạp từ một phế tích hoàn toàn không phải lớn. Việc trùng tu khôi phục điện Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn trong việc phục hồi các giá trị của di sản kiến trúc cung đình Huế.
“Kiến Trung là một trong năm công trình kiến trúc chính, có quy mô lớn nằm trên trục dũng đạo của Hoàng cung Huế, cùng với điện Thái Hòa - điện Cần Chánh - điện Càn Thành - cung Khôn Thái, nhưng nay chỉ còn duy nhất điện Thái Hòa. Trước khi khởi công, chúng tôi sẽ đặt một triển lãm kéo dài ngay trước di tích điện Kiến Trung để giới thiệu tường tận cho cộng đồng và du khách về dự án này”, TS. Phan Thanh Hải nói thêm.
Bài: Đồng Văn - Ảnh: DI TÍCH HUẾ