Trong thế giới ngày nay khi tất cả mọi thứ xoay quanh công nghệ, cạnh tranh giữa các nước chính là vấn đề ai có thể nắm bắt nhanh hơn và phát huy hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tốt hơn. Khi đó, các tranh chấp thương mại chỉ là một trong nhiều kênh để cạnh tranh trước khi các nước trở nên hùng mạnh và phát triển hơn nhờ khả năng công nghệ.

Đầu tư vào giáo dục có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Ảnh: AP

Chúng ta không chỉ sống trong thời đại số, mà còn đang sống trong một cuộc cách mạng tri thức bằng cách sử dụng tri thức và công nghệ được số hóa. Trong thời đại trước khi số hoá bắt đầu, sự cạnh tranh giữa các nước chỉ tập trung vào vấn đề về đất đai, lao động và nguồn vốn.

Sự bùng nổ của máy tính kỹ thuật số và internet được xem là bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển và làm nổi rõ lợi thế cạnh tranh của các nước trên thế giới. Theo các nhà phân tích, nền kinh tế tri thức với những ưu điểm đặc trưng có thể giúp những nước phía sau bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến.

Nhiều ưu thế 

Trong nền kinh tế tri thức, gần như mọi kiến ​​thức đều có thể được số hoá, có nghĩa là thông tin sẽ được sao chép và nhân bản với chi phí cận biên gần bằng không, đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có quyền tiếp cận kiến ​​thức và sẵn sàng học qua thực hành (LBD) để có thể chuyển đổi kiến ​​thức thành công nghệ, từ đó đạt được lợi thế cạnh tranh. Internet cho phép kiến ​​thức lan truyền với chi phí thấp đến với nhiều người, nhất là những người vốn trước đây không có điều kiện để học hỏi.

Kiến ​​thức sẽ phát huy lợi ích khi được tập trung, nghĩa là nhiều người quy tụ lại với cùng nền tảng kiến ​​thức có thể giúp làm tăng hiệu quả nhanh hơn những người làm việc trong sự cô lập. Điều này giải thích lý do tại sao kiến ​​thức phát triển ở các thành phố nhanh hơn ở các vùng thôn quê.

Quan trọng hơn, với nền kinh tế tri thức, tri thức chính là nguồn vốn quý nhất, là nguồn lực hàng đầu để tạo sự tăng trưởng. Trong khi các nguồn vốn khác như tài nguyên, đất đai… sẽ bị hao hụt và mất dần khi sử dụng thì tri thức và thông tin được sử dụng lại không hề mất đi, thậm chí còn tăng lên. Do đó, nắm bắt được tri thức, “nguồn vốn” của quốc gia không những không cạn kiệt và sẽ ngày càng “giàu có”.

Chú trọng đầu tư

Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ xây dựng những cụm trung tâm tri thức thôi là không đủ. Cần có một “hệ sinh thái” khuyến khích sự đổi mới, dám chấp nhận mạo hiểm và đầu tư vào nghiên cứu để phát triển nền kinh tế tri thức. Có thể lấy ví dụ từ sự thành công của Thung lũng Silicon. Sở dĩ Thung lũng Silicon vượt mặt Hành lang công nghệ Boston với nhiều trường đại học danh tiếng và công ty tri thức ở đó là do sự khác biệt giữa 2 bên. Chính sự cởi mở của Bờ Tây trước các yếu tố đa dạng, tiếp nhận nhiều nền văn hóa và sẵn sàng chia sẻ thông tin là chìa khoá cho sự phát triển.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển là yếu tố có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển, với phần lớn ngân sách đến từ chi tiêu của chính phủ Mỹ về quốc phòng, công nghệ vũ trụ, y tế và giáo dục. Ví dụ, Boeing – hãng máy bay lớn nhất thế giới của Mỹ, được chính phủ nước này hỗ trợ rất nhiều thông qua các hợp đồng quốc phòng, trong khi đối thủ cạnh tranh Airbus cũng nhận được các khoản trợ cấp trực tiếp từ Liên minh châu Âu.

Một lĩnh vực khác cần đặc biệt chú trọng là giáo dục và đào tạo. Đầu tư vào hệ thống giáo dục và đào tạo có chất lượng cao để người dân được học tập, từ đó nâng cao tri thức và năng lực sáng tạo, tạo ra sức mạnh và lợi thế cạnh tranh với các nước khác. Đáng lưu ý, trong nền kinh tế hiện đại, lượng thông tin tăng lên rất nhanh, đồng thời sự lão hoá của tri thức cũng tăng nhanh tương ứng, do đó giáo dục một lần đang dần dần được thay thế bằng giáo dục suốt đời. Thực tế cho thấy giáo dục kiến thức và đào tạo nghề nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng. Theo số liệu thống kê ở Mỹ, mức đầu tư vào đào tạo nghề nghiệp nước này mỗi năm đã vượt quá 100 tỷ USD.

Song song với đào tạo nguồn nhân lực, cần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin vì công nghệ thông tin chính là chìa khoá để đi vào nền kinh tế tri thức. Các nước ở nhóm sau muốn rút ngắn khoảng cách với các nước khác, bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến, phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ ANN, The Star & Devdiscourse)