Cùng chung thất vọng với Vinh là Nguyễn Thị Ánh Viên, kình ngư xuất sắc nhất mọi thời đại của Việt Nam, khi mà ở các kỳ SEA games gần đây, cứ mỗi lần xuống nước là gần như Ban Tổ chức đều phải tính vàng cho cô. Cách nay 4 năm, Ánh Viên đã sở hữu 2 tấm huy chương đồng và ASIAD lần này nuôi tham vọng “đổi đồng thành vàng”. Thế nhưng, ngay ở môn sở trường 400m hỗn hợp cá nhân nữ, Ánh Viên đã thất bại khi chỉ được xếp ở vị trí thứ 5.

Nụ cười tươi rói của bốn cô gái “Vàng” thể thao Việt Nam. Ảnh: Internet

Không “trắng tay” như Hoàng Xuân Vinh hay Nguyễn Thị Ánh Viên nhưng Thạch Kim Tuấn vẫn chưa vui khi không hoàn thành khát vọng “đổi bạc thành vàng” ở ASIAD lần này. Ở hạng cân 56 kg, đô cử từng giành huy chương vàng tại Giải Vô địch thế giới 2017, đành phải hài lòng với tấm huy chương chương bạc lần thứ 2 liên tiếp tại đấu trường ASIAD. Nỗi buồn còn lớn hơn với cô gái Wushu Dương Thúy Vi. Bốn năm trước, Vi là vận động viên duy nhất của Việt Nam sở hữu với tấm huy chương vàng tại ASIAD 2014. Lần này, Dương Thúy Vi chỉ đoạt đồng, khi phải xếp sau các vận động viên Trung Quốc và Iran.

Khó sánh được với Olympic, nhưng so với SEA Games, tầm vóc của ASIAD to lớn hơn nhiều. Ở đó có Trung Quốc là cường quốc thể thao thứ 2 thế giới. Ngoài ra là các quốc gia thể thao hùng mạnh, như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran. ASIAD 1994 là lần đầu tiên Việt Nam “có vàng” với chiến thắng của Trần Quang Hạ ở trận chung kết môn taekwondo hạng 48 kg. Bốn năm sau đó, cũng chỉ là tấm huy chương vàng duy nhất và thuộc về môn taekwondo hạng 48 kg với võ sĩ Hồ Nhất Thống. Đỉnh cao nhất là ở ASIAD 2002, thể thao Việt Nam đoạt được 4 tấm huy chương vàng. Thế nhưng 2 lần gần đây nhất, thành tích cũng chỉ dừng lại ở mức 1 tấm huy chương vàng cho mỗi kỳ, năm 2010 với Lê Bích Phương (karate) và năm 2014 với Dương Thúy Vi.

Nếu thất bại của Hoàng Xuân Vinh cho thấy bước thụt lùi và Nguyễn Thị Ánh Viên không thể vượt lên chính mình thì thất bại như của Thạch Kim Tuấn đơn giản vẫn là gặp phải đối thủ đối đầu quá mạnh. Đô cử người Bình Thuận đã không thể tạo nên bất ngờ trước một Om Yun-chol quá đẳng cấp. Chỉ về đích thứ 5 ở nội dung 104 km đường trường, vận động viên Nguyễn Thị Thật không hề dấu diếm: “Thực lực tới đâu, mình nhận kết quả như đó. Tôi đã làm hết khả năng, không thể đòi hỏi mình hơn nữa. Đối thủ quá mạnh, nên đành phải chấp nhận thành tích này”. Nguyễn Thị Thật là tên tuổi nằm trong số ít những hy vọng vàng của Việt Nam ở ASIAD lần này.

Đã có “niềm vui vàng” ở Indonesia lần này. Đáng vui nhất là chiến thắng của 4 cô gái vàng môn rowing: Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Huệ. Bốn cô gái là 4 hành trình. Nếu Tạ Thanh Huyền là vận động lớp năng khiếu bơi lội thì Lường Thị Thảo vốn là vận động viên điền kinh. Hồ Thị Lý được phát hiện khi đang xốc vữa phụ hồ, còn Phạm Thị Thảo từng 2 lần dự Olympic chỉ mới tái xuất tập luyện cho ASIAD 2018 hồi đầu năm khi con chưa đầy 6 tháng tuổi. Họ cùng chung khát vọng chiến thắng và có phút giây xuất thần. Ở ASIAD 2018, phải “đỏ mắt” để “tìm vàng”, thể thao Việt Nam trông chờ vào khát vọng và khoảnh khắc thi đấu thăng hoa để chiến thắng và vượt lên tất cả.

ĐÌNH NAM