Cảm xúc đan xen

Việc có 2 VĐV tham dự ASIAD 2018 là Mỹ Hạnh (vật) và Yến Hoa (điền kinh) không là điều đơn giản, bởi Huế không phải là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Thậm chí, trước ngày có danh sách VĐV Việt Nam tham dự sân chơi châu lục, ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng Trường trung cấp Thể dục thể thao (TDTT) Huế lo ngay ngáy vì không biết những VĐV ưu tú của trường có qua được “vòng gửi xe” hay không, bởi công tác tuyển chọn rất khắt khe.

Quỳnh Như (phải) trong những ngày thi đấu tại vương quốc Anh

Cận kề ngày khai mạc ASIAD 2018, cái tin Yến Hoa (điền kinh) bị chấn thương trong lúc tập luyện khiến ông Đỗ Văn Vịnh – Trưởng bộ môn điền kinh Huế mất ăn mất ngủ mấy hôm. Nỗi lo còn “lây” sang HLV Đinh Văn Kiên, Trưởng bộ môn vật Huế, dù học trò cưng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chẳng gặp bất cứ trục trặc nào.

“Vấn đề là nếu Mỹ Hạnh đụng trúng đối thủ đến từ các nước vượt xa mình về đẳng cấp, kinh nghiệm quá sớm, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ… thì khó giành huy chương”. Đúng như nhận định của HLV Đinh Văn Kiên, dù đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ ở vòng loại, nhưng ở trận tranh chấp HCĐ, Mỹ Hạnh đã thất thủ 6-0 trước đô vật đến từ Mông Cổ. Trong khi đó ở môn điền kinh, Yến Hoa cũng chấp nhận trắng tay rời sân chơi ASIAD khi chấn thương khiến Hoa không thể phát huy 100% sức lực trước những VĐV xuất sắc nhất đến từ các nước trong châu lục.

Câu chuyện trắng tay ở đấu trường ASIAD không là điều quá bất ngờ, bởi giữa VĐV Huế và VĐV một số nước châu Á vẫn còn một khoảng cách nhất định. Nhưng dù thi đấu không thành công, việc được góp mặt ở sân chơi đẳng cấp châu lục cũng đã giúp Hạnh và Hoa tích lũy thêm kinh nghiệm cho lần tái ngộ sau và ở những đấu trường khác.

Bất ngờ cờ tướng

Trong thời điểm cận kề khai mạc ASIAD 2018, tại Huế diễn ra giải vô địch cờ tướng trẻ toàn quốc (6-14/8). Kết thúc giải, 2 nữ kỳ thủ giành thành tích cao nhất của tuyển cờ tướng Huế là Trà My (HCV cờ nhanh U20) và Yến Ngọc (HCV cờ nhanh U13). Khi đó, Võ Nguyễn Quỳnh Như – đồng đội của Trà My và Yến Ngọc - chỉ có thể đem 1 HCB cờ chớp và 1 HCĐ cờ tiêu chuẩn ở lứa tuổi U12.

Bộ sưu tập huy chương của Quỳnh Như sau thời gian đến với cờ tướng

Với thành tích có phần khiêm tốn so với đàn chị, nhưng tại giải vô địch trẻ thế giới tại vương quốc Anh ngay sau đó (18-22/8), trong những ngày đấu trí trên đất khách ở bảng đấu có đến 6 VĐV Trung Quốc, Quỳnh Như - cô bé đang học lớp 7 Trường THCS Thủy Châu (Hương Thủy) đã gạt bỏ mọi áp lực để vượt lên giành HCB nội dung cờ tiêu chuẩn lứa tuổi U12 ở giải đấu danh giá nhất, nhì thế giới về cờ tướng sau khi chỉ để thua người giành HCV 0,5 điểm.

Điều đáng nói, xuất phát điểm, Quỳnh Như vốn không phải là VĐV cờ tướng. Làm quen với cờ vua từ năm lớp 1, mấy tháng sau, Như đã cho thấy năng khiếu của mình sau khi thi đấu với các chị lớp 2 và đứng thứ 4 tại giải cờ vua Hội khỏe Phù Đổng thị xã Hương Thủy. Cũng trong quá trình thi đấu, thầy Nguyễn Phú trong ban trọng tài phát hiện Như có tố chất về môn cờ. Sau nhiều lần động viên lẫn thuyết phục, gia đình đồng ý cho Như tham gia thi tuyển vào lớp năng khiếu cờ vua Trường trung cấp TDTT Huế. Trong 2 năm tiếp theo, Như tham gia huấn luyện cờ vua cùng các VĐV năng khiếu, dù vậy em chưa lần nào được tham gia thi đấu tại các giải.

Cũng trong thời gian này, tuy đang tập luyện cờ vua nhưng những nước đi, lối chơi trí tuệ, hiểm hóc của cờ tướng cuốn hút Như. Và chẳng biết từ khi nào, cứ hết giờ tập luyện cờ vua, Như lại cùng các anh chị đấu trí bên bàn cờ tướng. Đến năm Như học lớp 4, sau một thời gian bồi dưỡng, cô Bùi Thúy Nga, HLV cờ tướng tỉnh động viên Như tham gia giải cờ tướng miền Trung mở rộng tại Đà Nẵng. Lúc đó, gia đình Như khá ngạc nhiên bởi “con tui học cờ vua răng lại nói cháu thi cờ tướng”.

“Thiệt tình lúc đó một phần tin cô Nga, một phần cháu đòi quá nên tui đồng ý chứ trong bụng chẳng kỳ vọng chi hết. Ai ngờ cháu đem về 3 HCĐ đồng đội, ngoài tưởng tượng của tui”, chị Nguyễn Thị Thúy Vi – mẹ Quỳnh Như bộc bạch. “Trước đây, có thời điểm tôi từng nghĩ rảnh thì chở cháu đi học cờ, không thì thôi bởi nhà xa, chúng tôi bận đi làm nên việc đưa đón cháu rất vất vả, nhất là trong mùa mưa. Nhưng thấy cháu đam mê quá nên chúng tôi thay nhau chở để cháu không bị bỏ sót buổi học nào”, anh Võ Đức Toàn chia sẻ thêm.

Được khích lệ từ 3 chiếc HCĐ giành được, Như chuyển hẳn sang lớp năng khiếu cờ tướng. Qua 3 năm có mặt trong đội tuyển, Như tham gia nhiều giải trẻ cấp độ miền Trung mở rộng và toàn quốc cùng với bộ sưu tập huy chương kha khá. Và đến tháng 8/2018, trong lần đầu tiên tham dự giải đấu đẳng cấp thế giới, Quỳnh Như đã không phụ lòng mong đợi khi đem về tấm HCB lịch sử cho bản thân, cho cờ tướng Thừa Thiên Huế trên đấu trường thế giới.

Với tuổi đời còn quá trẻ, tấm huy chương danh giá mà Như giành được chính là nền tảng, là động lực để em đi tiếp con đường đam mê của mình. Không chỉ vậy, tuy mới thành lập được 5 năm, nhưng ngoài Quỳnh Như, bộ môn cờ tướng Thừa Thiên Huế đã cho thấy tín hiệu vui khi còn có Yến Vy, Yến Ngọc, Trà My, Minh Khôi… - những cái tên được “người trong nghề” đánh giá rất có triển vọng, tương lai có thể cùng Quỳnh Như tiếp tục tạo tiếng vang ở đấu trường quốc gia và thế giới nếu như được đào tạo, đầu tư bài bản.

Võ Nguyễn Quỳnh Như sinh năm 2006, là con gái thứ 2 trong gia đình. Sáu năm liền là học sinh xuất sắc. Năm học 2016-2017, Quỳnh Như đạt giải nhì môn tiếng Anh cấp tỉnh.

Bài: HÀN ĐĂNG - Ảnh: NVCC