Tính đến cuối năm 2013, Thừa Thiên Huế có 83.700 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Nói về việc tham gia BHTN, ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ phòng kinh doanh Công ty TNHH Trường Phát cho hay: “Thật ra, không ai muốn nhưng cũng chẳng thể lường trước được những rủi ro trong kinh doanh, nhất là ở các đơn vị tư nhân. Chúng tôi muốn tham gia BHTN để được hỗ trợ khi cần thiết.

Tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm

Quyền lợi không được bảo đảm

Để khắc phục tình trạng khó khăn khi mất nguồn thu nhập hàng tháng, hàng ngàn người lao động đã tìm đến các trung tâm hỗ trợ đăng ký BHTN nộp hồ sơ, đăng ký nhận trợ cấp. Tuy nhiên, nhiều người ngỡ ngàng vì doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, trong khi hàng tháng các cơ quan, doanh nghiệp vẫn trừ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), BHTN của công nhân mình. Anh Trần Ngọc Bình, đang chờ làm thủ tục đăng ký BHTN tại trung tâm giới thiệu việc làm bức xúc: “Tôi đã mất việc gần hai tháng vì công ty tiết giảm nhân lực. Tôi đến đăng ký BHTN thì được biết không đủ điều kiện làm thủ tục vì công ty đã nợ BHXH, BHTN cả năm nay rồi”. Không chỉ riêng anh Bình gặp phải tình cảnh như vậy, mà rất nhiều người sau khi ngồi chờ cả ngày trời, cuối cùng nhận được câu trả lời không đủ điều kiện nhận BHTN. Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm cho biết: “Một trong những khó khăn để giải quyết chế độ cho người lao động là doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN khiến họ không chốt sổ được. Thế nên, người lao động phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần mà quyền lợi vẫn không được đảm bảo”.
Tính đến cuối năm 2013, có trên 300 đơn vị với hàng ngàn lao động nợ BHXH, BHTN, BHYT trên 72 tỷ đồng. Riêng, các đơn vị nợ BHTN trên 3 tỷ đồng. Nhiều đơn vị sử dụng quỹ tiền lương đóng BHXH, BHTN vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Thậm chí kể cả đơn vị hưởng ngân sách nhà nước cũng nợ. Không chỉ nợ BHXH, BHTN, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động trốn đóng với mức tiền lương thấp hơn thực tế vẫn đang tồn tại, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
 
Chế tài chưa đủ mạnh
 
Ông Nguyễn Trúc Phương, Phó Giám đốc BHXH lý giải, mặc dù chế tài đã nêu: những lao động được ký hợp đồng từ 12 tháng và từ 10 lao động trở lên thuộc diện bắt buộc phải đóng BHTN kể từ 1/1/2009 thì đều phải tham gia BHTN. Trong đó, NLĐ phải đóng 1% tiền lương và chủ sử dụng lao động đóng 1%. Cái khó là hiện cơ quan chức năng không xác định được chính xác số lượng đơn vị, những người thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHTN. Vì vậy, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ diễn ra khá phổ biến, chủ yếu thông qua “chiêu thức” chỉ ký hợp đồng với NLĐ dưới 12 tháng để không phải đóng BHTN cho NLĐ.
 
Thực ra, quy định của pháp luật về vấn đề xử lý doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN rất rõ ràng. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp sai phạm; kiến nghị UBND thành phố, các huyện có biện pháp mạnh tay nếu doanh nghiệp chây ì. Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm đôn đốc để thu đúng, thu đủ. Vấn đề ở chỗ, đội ngũ thanh tra còn mỏng nên công tác kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên. Tổ chức công đoàn ở cơ sở chưa mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thậm chí, hàng chục đơn vị bị kiện ra tòa nhưng rốt cuộc các doanh nghiệp cũng chỉ nộp được một ít rồi đâu lại vào đấy. Chính chế tài chưa đủ mạnh trong xử lý doanh nghiệp hằng tháng không  đóng BHXH cho NLĐ khiến các doanh nghiệp lờ nghĩa vụ, thậm chí còn chiếm đoạt tài sản của người lao động.
Bài và ảnh: Huế Thu