Con đường nhỏ, quanh co theo chân ruộng lúa, bờ ao và băng qua các trảng cát trắng nhức mắt. Ngày nắng thì mù bụi, ngày mưa thì lép nhép bùn lầy nước đọng. Bởi thế, khi tuyến đường này được đầu tư thi công, đổ nhựa, không chỉ người dân quanh vùng mừng vui mà anh em chúng tôi cũng hết sức phấn khởi.
 
Vậy nhưng, đường làm xong chưa được bao lâu đã thấy xuất hiện những “đường vẹt”, những ổ gà. Cái gì cũng có bảo hành, huống chi công trình tiền tỷ. Chắc đơn vị thi công sẽ sớm sửa chữa. Nghĩ vậy nhưng không phải vậy. Bao nhiêu lần đi - về, chỉ thấy ổ gà… đẻ thêm chứ không thấy lấp đi (?!!). Tuần vừa rồi về chạp (tảo mộ), có dịp đi dài hơn dọc theo tuyến đường này, mới thấy tầng suất ổ gà, “ổ heo” còn nhiều hơn tôi tưởng. Bà con ở xa về quê đi chạp, ai cũng lắc đầu cho chất lượng, cho kiểu làm ăn của doanh nghiệp xây dựng nào đây.
 
Nhưng, bức xúc là bức xúc vậy, chứ thật ra chuyện đường sá nhanh hỏng là… bình thường ở “xứ ta”. Và Tỉnh lộ 11C chỉ là con tép. Bởi có rất nhiều những con đường chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ mới khai trương chưa lâu đã hỏng mà báo chí đã nêu cũng…ti tỉ. Ngay tại Thừa Thiên Huế, đường tránh Huế từ Phú Bài ra Tứ Hạ là một ví dụ. Rồi đường 49 đoạn từ cầu Vỹ Dạ về Thuận An. Hay đường Thuỷ Dương-Tự Đức, làm chưa lâu, xe cộ đi lại chưa nhiều cũng đã thấy nứt lún, bong tróc…
 
Lý giải cho cái sự mau xuống cấp, có một nguyên nhân thường hay được viện dẫn là do nền đường yếu. Một lý do mà ai nghe qua cũng bảo: Quái, vậy trước khi làm không khảo sát à? Cũng thấy có khoan, có đo đủ cả đấy chứ. Và chắc chắn là trong dự toán, tiền dành cho khảo sát là không thiếu, không ít. Nay bảo do nền đường yếu thì phải thu lại tiền khảo sát, không những thế phải “phạt cái tội” khảo sát không thấu đáo, gây lãng phí tiền của của dân mới công bằng.
 
Xung quanh chuyện các công trình đường sá mau xuống cấp, dân ngoại đạo thường hay chép miệng bảo nhau: Lạ, xưa kia công nghệ không cao, phương tiện không hiện đại, vật liệu không tốt bằng bây giờ. Nhưng đường lại lâu hỏng. Còn bây giờ công nghệ cao, vật liệu tốt, phương tiện hiện đại, nhưng đường sá lại… mau hỏng là thế nào? Cái sự phi lý ấy cần phải truy cho tận gốc để mà chỉnh sửa, không thể hoà cả làng.
Thượng Bích