Ông Đỗ Đình Khang

Sau ngày quê hương giải phóng, ông Đỗ Đình Khang cùng gia đình tham gia kinh tế mới ở xã Phong Mỹ. Ông vẫn nhớ như in cái đói, cái nghèo đeo đẳng những người dân nơi đây. Đường sá cách trở càng khiến nơi rừng thiêng nước độc thêm hoang vắng, nhiều người không trụ nổi phải tìm nơi khác lập nghiệp. Thấm thoát đã hơn 40 năm, sự đổi thay hôm nay nằm ngoài sức tưởng tượng và mong đợi của người dân Phong Mỹ. 100% đường liên thôn, liên xã được cứng hóa, điện đường thắp sáng suốt đêm giúp bà con yên tâm đi lại; số nhà ở kiên cố ngày càng nhiều, giảm bớt những lo toan khi mùa mưa bão đến; các phong trào, hoạt động ngày càng sôi động hơn... Ở tuổi 73, điều ông Khang tự hào nhất là suốt chặng đường hơn 13 năm “vác tù và” của ông thật sự có ý nghĩa, góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng quê hương.

Năm 2005, khi được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, khắc ghi câu nói của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Khang nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận. Thời điểm đó tuy địa phương không còn nhiều hộ đói, nhưng hầu hết người dân vẫn phải sớm hôm lam lũ với nương rẫy, suy nghĩ của họ chỉ quanh quẩn bên cây cao su, cây tràm, vườn sắn, vườn rau... Phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Vì người nghèo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… trong suy nghĩ của nhiều người là việc của xã hội, nên không mấy mặn mà tham gia.

Sau khi cùng tập thể bàn bạc, tìm nhiều phương án, ông Khang khẳng định, trước khi đi tận ngõ, gõ tận nhà dân thì chính những thành viên trong tổ dân vận phải là người tiên phong, mạnh dạn đóng góp kinh phí cho hoạt động của các phong trào, rồi vận động người thân, họ hàng và xóm giềng cùng tham gia. Nói là làm, với tất cả các phong trào, ông Khang luôn là người đầu tiên tham gia đóng góp, rồi khéo léo giải thích những điều người dân còn thắc mắc, chỉ rõ lợi ích mà bà con được hưởng để cùng tham gia. Dần dần, khó khăn được tháo gỡ, người dân thôn Tân Mỹ ngày càng có ý thức, trách nhiệm hơn với cộng đồng, nhờ vậy, các phong trào hoạt động ở thôn Tân Mỹ luôn đi đầu trong toàn xã.

Một trong những thành công khiến ông Khang vui nhất là việc huy động được hơn 150 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn vừa qua. Để người dân đồng lòng, ông đưa ý tưởng tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng tại các cuộc họp, mỗi phần quà trị giá chỉ từ 30 đến 50 nghìn đồng nhưng thu hút được đông đảo bà con tham dự. Qua đó, việc tuyên truyền, vận động, giải thích những băn khoăn, vướng mắc của người dân thuận lợi; bà con đồng lòng vui vẻ đóng góp kinh phí. Ông Khang bày tỏ quan điểm: “Làm gì cũng phải bài bản và nghiêm túc thì mới tạo được niềm tin với mọi người. Để huy động kinh phí từ người dân càng phải rõ ràng và làm cho người dân thấy được việc đóng góp của mình là có ý nghĩa thì sẽ sẵn sàng chung tay khi chính quyền kêu gọi”.

Ông Trần Văn Bình, người dân ở thôn Tân Mỹ vui mừng: “Được tham gia giám sát nhiều công trình, thấy rõ lợi ích mình được hưởng nên chúng tôi sẵn sàng đóng góp để có thêm những con đường khang trang, đi lại thuận tiện hơn”.

Cách đây một năm, ông Đỗ Đình Khang không còn làm tổ trưởng. Nhiều người dân không vui bởi quyết định đó nhưng ông giải thích: “Tui xin thôi làm trưởng thôn là để đầu óc bớt lo toan một chút, nhưng bất kỳ việc gì của thôn, của xã tôi cũng đều tham gia”. Và thực sự ông đã làm như những gì đã nói.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn