Trường tiểu học Hồng Tiến được xây dựng khang trang

Trở lại “vùng đất lửa” trong những ngày tháng Tám lịch sử, xe chúng tôi bon bon trên Quốc lộ 49, từ Bình Điền lên Hồng Tiến đến tận các thôn, nối gần khoảng cách giữa xã dân tộc ít người này với các vùng lân cận.

Hồng Tiến hiện nay vẫn còn là một xã nghèo. Nhưng nếu so với những năm về trước thì xã miền núi xa nhất của Hương Trà giờ đã “thay da đổi thịt” và đang trên hành trình phát triển.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến Lê Viết Hương phấn chấn: “Nét nổi bật là kinh tế từ thuần nông với cơ sở vật chất lạc hậu, nghèo nàn đã chuyển dịch theo hướng nông nghiệp- dịch vụ, trong đó rừng và cao su có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế. Ngoài nỗ lực của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia như 135 và các dự án khác đã đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ bản khá hoàn chỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, Hồng Tiến đã đạt được 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm”.

Cùng chúng tôi đến thăm gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh Lê Văn Đài, 65 tuổi, người dân tộc Pahy ở thôn 3. Ông Đài chia sẻ: “Gia đình tôi là 1 trong 4 hộ đầu tiên di cư từ A Lưới về Hồng Tiến năm 1977, khó để kể hết những khó khăn vất vả lúc đó, khi mà đâu đâu cũng rừng rậm, thú dữ. Sau nhiều năm khai hoang phục hóa, không cam chịu đói nghèo, tôi có trong tay 30ha rừng, 3 ha cao su mỗi năm cho thu nhập 300-400 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ chăn nuôi lợn, gà, cá”.

Chăn nuôi "lấy ngắn nuôi dài" của ông Lê Văn Đài

Ông Đài phấn khởi: “Nhờ rừng, tôi xây được nhà ở khang trang, đứa nào ra riêng cũng được chia 5 ha rừng, mới đây, tôi đã mua ô tô 750 triệu đồng để đi lại, làm ăn”.

Ở Hồng Tiến, không riêng hộ ông Đài, nhiều hộ gia đình khác cũng khấm khá từ kinh tế rừng như ông Đinh Văn Lưu (dân tộc Mường) có 35 ha rừng, ông Lê Viết Ngọc có 40 ha rừng, 2 ha cao su...

Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa, nhưng niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân Hồng Tiến về một thời hào hùng thì vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây, niềm tự hào ấy được biến thành những hành động thiết thực. Đảng bộ đoàn kết, chính quyền và người dân cùng chung tay phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng quê hương.

Năm học mới, Hồng Tiến có 35 em đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Trong tương lai không xa, đây sẽ là đội ngũ kế thừa, tiếp tục góp sức, đưa xã anh hùng vươn lên.

Tính theo tiêu chí mới, năm 2018, xã còn 46 hộ trong xã thuộc diện nghèo; 85% số gia đình mua sắm được xe gắn máy, phương tiện nghe nhìn đạt 95% và có nhiều hộ sắm được phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất. Toàn xã chỉ có 12,5 ha ruộng lúa nước, 4 ha rau màu nhưng có tới gần 770 ha đất lâm nghiệp. Nhà nào cũng tham gia trồng rừng. Trong đó có 595/650 ha rừng kinh tế đang kỳ thu hoạch và 111/117 ha cao su đang cho mủ. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên 6 ngàn con.

Minh chứng cho sự đổi thay của vùng đất, tôi được một cán bộ xã đưa đi thăm các vùng có diện tích rừng trồng kinh tế. Đi mới thấy sự chuyển mình của Hồng Tiến. Nhiều hộ biết tích lũy vốn từ trồng rừng, chăn nuôi để đầu tư kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Ở tất cả 5 thôn, đều có những nông dân vươn lên khá giả với thu nhập 300-500 triệu đồng mỗi năm.

Trong câu chuyện, Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Hương bày tỏ, mặc dù vui với những thành quả đạt được nhưng vẫn lo vì Hồng Tiến vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... đòi hỏi thời gian tới chính quyền và người dân nỗ lực, phấn đấu hơn nữa.

Bài, ảnh: Liên Minh