Hội CCB tỉnh nói về quá trình xác minh, làm rõ để sớm hoàn tất hồ sơ, công nhận liệt sĩ cho ông Lê Đình Thủy với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế (ngoài cùng bên phải)

Ông Lê Đình Nhẫn, trú tại thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ - em ruột của liệt sĩ Lê Đình Thủy-phấn khởi: “Tháng 12/2016, gia đình chúng tôi thật sự rất vui mừng khi anh ấy đã được công nhận liệt sĩ . Dù thời gian có kéo dài vì hoàn cảnh, vì những lý do khác nhau, nhưng đó là niềm động viên, an ủi của gia đình”.

Theo gia đình của liệt sĩ Lê Đình Thủy, năm 1968, ông Thủy là Thôn đội trưởng thôn Dưỡng Mong, sau đó lên rừng hoạt động cách mạng. Một thời gian, gia đình nghe tin ông bị địch bắt rồi mất tích từ đó. Hàng chục năm nay, gia đình ông trông ngóng tin tức nhưng vô vọng. Nhớ tới ông, gia đình chỉ biết lập bàn thờ để thắp hương, thờ cúng.

Mãi cho đến tháng 8/2015, ông Đặng Hoài Thanh, hội viên Hội tù yêu nước phường Xuân Phú (TP. Huế) đã trực tiếp đến Hội CCB tỉnh cung cấp thông tin: “Trong một chuyến ra thăm Phú Quốc, ông phát hiện tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Quốc (Kiên Giang) có một ngôi mộ liệt sĩ mang tên Lê Đình Thủy (sinh 1950), quê quán xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Bình Trị Thiên…”.

Tìm hiểu, ông Đặng Hoài Thanh và Hội CCB tỉnh cũng đã xác định được, ông Lê Đình Thủy có cha là Lê Đình Diệp (sinh năm 1918, đã qua đời), mẹ là Phạm Thị Liệu (sinh năm 1923, cũng đã qua đời). Ông Lê Đình Thủy hiện có 3 em trai và 1 em gái đều ở thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ.

Hội CCB tỉnh đã gửi công văn đề nghị Hội CCB tỉnh Kiên Giang, Hội CCB huyện Phú Quốc giúp đỡ, xác minh, cung cấp thông tin cụ thể về liệt sĩ Lê Đình Thủy. Ông Lê Văn Tiến, Trưởng ban Tổ chức – Chính sách Hội CCB tỉnh chia sẻ: “Không lâu sau đó, chúng tôi nhận được công văn trả lời của hai đơn vị trên. Trong đó, có nội dung: “… Đồng chí Lê Đình Thủy ở trại giam nhà lao Cây Dừa nay là thị trấn An Thới. Trong một lần cùng các đồng chí khác vượt trại đã hy sinh ngày 12/11/1972 tại huyện Phú Quốc". Công văn trả lời có kèm theo giấy xác nhận của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Quốc. Địa chỉ mộ: khu B; lô mộ: B3; hàng mộ: H14; số mộ: M15. Hiện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý mộ liệt sĩ Lê Đình Thủy…”. Đây là những thông tin rất quan trọng và bất ngờ, vì điều đó khẳng định chắc chắn rằng, ông Lê Đình Thủy đã hy sinh chứ không như mọi người nhầm tưởng ông Lê Đình Thủy đã “mất tích”…

Căn cứ vào những nội dung trả lời trên, Hội CCB tỉnh đã báo cáo với Ban Chỉ đạo rà soát chế độ chính sách đối với người có công cách mạng tỉnh; trực tiếp làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời, gửi công văn đến UBND huyện Phú Vang đề nghị quan tâm thẩm định, xem xét làm thủ tục để công nhận liệt sĩ cho ông Lê Đình Thủy. Mặc dù gặp không ít trở ngại, nhưng với sự vào cuộc tích cực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cuối cùng, ông Lê Đình Thủy đã được Nhà nước công nhận liệt sĩ.

“Ngoài trách nhiệm của mình, chúng tôi thực sự rất biết ơn ông Đặng Hoài Thanh. Ông Thanh từng ở tù Phú Quốc, đã trải qua khổ ải, hà khắc của nhà tù. Dù không biết gì về ông Lê Đình Thủy, nhưng khi phát hiện ra mộ ông Thủy ở Phú Quốc, ông đã kịp thời báo tin và đề nghị Hội CCB tỉnh tham gia để sớm được công nhận liệt sĩ cho ông Lê Đình Thủy. Chúng tôi đánh giá cao việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi tiếp nhận thông tin đã vào cuộc, làm hết mình; sự quan tâm, phối hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, Hội CCB và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Quốc. Đó chính là việc làm vô cùng ý nghĩa, thiết thực, nhằm tri ân những người có công với cách mạng”, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nguyễn Vĩnh Sinh xúc động.

Bài, ảnh: Anh Phong – Kim Song