Đại diện doanh nghiệp giới thiệu cơ hội việc làm cho sinh viên tại ngày hội việc làm
Nghịch lý
Chỉ trong 3 tháng, có thể thấy rõ sự trái ngược của hai “bức tranh” tuyển dụng và tuyển sinh khối ngành nông - lâm - ngư tại Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế. Trong khi ngày hội tuyển dụng (tháng 5/2018) cung không đủ cầu (sinh viên ra trường khoảng 1.500 nhưng nhu cầu các nhà tuyển dụng đăng ký 2.500) thì đợt tuyển sinh vừa qua (tháng 8/2018) nhà trường chỉ tuyển được hơn 50% người học so với chỉ tiêu (kể cả phương thức xét kết quả học bạ và thi THPT Quốc gia). Đáng nói là, các ngành “hot”, gần như 100% ra trường có việc làm ngay, như chăn nuôi, các ngành về thủy sản… đều không tuyển đạt số lượng mong muốn.
Nghịch lý này không phải mới xuất hiện mà là tình trạng chung của các cơ sở đào tạo ngành nông - lâm - ngư cả nước những năm qua. Theo nhiều chuyên gia, nhận thức của phụ huynh và học sinh, nhất là các phụ huynh vùng nông thôn sống bằng nghề nông nghiệp, muốn con cái làm nghề khác là lý do chính. “Thường có khoảng 70% thí sinh vùng nông thôn, miền núi chọn học các ngành nông - lâm - ngư nhưng đối tượng này ngày càng giảm do suy nghĩ của thế hệ trẻ muốn thoát ly nông nghiệp vì hiểu chưa đúng đầu ra việc làm. Cũng có một số gia đình khó khăn cho con đi lao động để kiếm tiền thay vì bỏ thời gian và chi phí học ĐH. Những năm gần đây, lượng thí sinh đến từ một số địa phương khó khăn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào trường giảm mạnh”, PGS. TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế nói.
Sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm tại gian hàng doanh nghiệp trong ngày hội việc làm Trường ĐH Nông lâm năm 2018
Lý do khác là thí sinh chọn ngành nghề theo trào lưu, trong khi việc tư vấn hướng nghiệp tại các trường phổ thông còn hạn chế do giáo viên không nắm rõ nhu cầu thị trường và chuẩn đầu ra việc làm của các ngành nghề. Khảo sát thí sinh mùa tuyển sinh 2018, không ít trường hợp thú thật lựa chọn ngành nghề theo bạn bè hay thông tin ngành “hot” trên mạng. “Ngành y, luật, báo chí là những ngành khá sang trọng nên em và bạn bè chọn. Hơn nữa, sống ở vùng nông thôn từ nhỏ, em muốn làm một nghề gì đó ở văn phòng sẽ thích hơn”, Trà My, tân sinh viên ĐH Huế, thành thật.
Mặt khác, việc quảng bá các ngành học vẫn còn hạn chế. Các đợt tư vấn quảng bá tuyển sinh thường chỉ tập trung ở một vài điểm lớn, hình thức chưa hấp dẫn và thiếu hiệu quả. Thông tin sâu về các ngành học chưa được chuyển tải đầy đủ tới các thí sinh và phụ huynh.
Nhiều giải pháp
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011) sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 28 % năm 2015 và khoảng 50% năm 2020. Theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2020 nguồn nhân lực khối ngành này thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. |
Thời gian qua, Trường ĐH Nông lâm liên kết doanh nghiệp tốt, triển khai nhiều chương trình thực tập sinh ở nước ngoài. Đây là giải pháp căn cơ thúc đẩy thương hiệu ngành, đồng thời giải quyết bài toán đầu ra. Tuy nhiên, cần phải tận dụng hợp tác này để quảng bá tuyển sinh. Theo PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, hiện, ngày hội tuyển dụng và các sự kiện tuyển sinh vẫn diễn ra độc lập. Nếu có phương án tổ chức đồng thời hoặc mời đại diện các doanh nghiệp đồng hành quảng bá tuyển sinh sẽ hiệu quả và thuyết phục hơn. “Lâu nay, doanh nghiệp về trường giới thiệu cơ hội việc làm nhưng dành cho người đang học biết, còn người sắp học vẫn chưa có thông tin đầy đủ, nhất là thông tin thu nhập cao, các ngành công nghệ cao. Đó là điểm cần nghiên cứu”, ông Chương nói.
Thay đổi giải pháp quảng bá tuyển sinh là vấn đề cần làm. Đơn vị đào tạo cần nắm bắt nhu cầu việc làm tại các địa phương để có tư vấn cụ thể. Bên cạnh đó, cần mở rộng khu vực tiếp cận thông tin tuyển sinh, nhất là các vùng nông thôn, miền núi vì đây là khu vực mà thông tin về đầu ra các ngành nghề còn hạn chế. Trường ĐH Nông lâm nói riêng, các cơ sở đào tạo nông lâm ngư nói chung cần hỗ trợ, phối hợp tốt với các trường phổ thông trong vấn đề hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, các trường cần có chương trình tôn vinh những cựu sinh viên thành đạt, giữ các vị trí cao tại các doanh nghiệp bằng minh chứng cụ thể.
Về lâu dài, những trường đào tạo các ngành nông - lâm - ngư cần thảo luận hướng đi, chính sách để tham mưu cho bộ, ngành liên quan. “Hiện nay, sư phạm hay các ngành nghệ thuật có cơ chế đặc thù. Đối với các ngành nông lâm, nhu cầu xã hội cần nhưng thiếu người học cần những chính sách đặc thù của Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho một số ngành mang tính chiến lược”, ông Chương nói.
Tại các trường, cần tái cấu trúc ngành nghề, tập trung vào một số ngành mũi nhọn và có thương hiệu, không đào tạo dàn trải. Ngoài ra, nên thay đổi mô hình đào tạo theo hình thức 50% giảng đường và 50% gắn với doanh nghiệp để mang lại cơ hội thực tập, việc làm và quảng bá ngành nghề. Trong tuyển sinh, cần có học bổng hay khuyến khích kịp thời cho những thí sinh đạt điểm cao như miễn giảm học phí để thu hút người học.
Theo các chuyên gia, “đầu ra” việc làm ngành nông - lâm - ngư rất đa dạng, sinh viên ra trường có thể làm tại các viện nghiên cứu, trường ĐH, cao đẳng, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến nông lâm ngư nghiệp; các công ty thức ăn gia súc, thuốc thú y, công ty thực phẩm, công ty giống cây trồng vật nuôi, các tập đoàn – công ty lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các công ty chuyên khoa học đời sống, công ty phân bón, những trang trại, hợp tác xã nông nghiệp,… và cũng có thể tự khởi nghiệp. Ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, nhu cầu nhân lực ngành nông, lâm, ngư nghiệp hiện đang rất cần. Nếu sinh viên ra trường làm tốt công việc thì cơ hội thăng tiến cũng rất nhanh. |
Bài, ảnh: Hữu Phúc