Việc kết nối hành lang ĐDSH giữa các KBT góp phần ngăn chặn đánh bắt, phá hoại tài nguyên rừng

Từ những nghiên cứu và kết quả đáng ghi nhận về bảo tồn ĐDSH của các khu vực rừng ở A Lưới, Nam Đông, Phong Điền... cũng như việc làm tốt quy hoạch rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Phong Điền và Khu bảo tồn (KBT) Sao La tại A Lưới lần lượt được thành lập năm 2002 và năm 2013.

Để tiếp tục phát huy bảo tồn, nghiên cứu, khai thác hợp lý hệ sinh thái, hành lang ĐDSH kết nối KBT Sao La và KBTTN Phong Điền vừa được thành lập. Hành lang ĐDSH này lấy theo ranh giới hành chính 10 xã của Dự án BCC (Hành lang ĐDSH Tiểu vùng Mê Công mở rộng- giai đoạn 2), gồm 8 xã của huyện A Lưới và 2 xã của huyện Nam Đông.

Tổng diện tích quy hoạch hành lang hơn 77.640 ha (không tính diện tích rừng đặc dụng nằm trong phạm vi hành chính 10 xã của Dự án BCC). Trong đó, vùng bảo vệ có diện tích 59.405,5 ha, bao gồm: diện tích đất rừng phòng hộ hơn 29.684 ha, diện tích đất rừng tự nhiên sản xuất hơn 29.720 ha. Vùng phát triển có diện tích hơn 18.235 ha. Vùng này gồm các loại đất còn lại của hành lang ĐDSH, như: đất rừng trồng sản xuất, đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.

Việc thành lập hành lang ĐDSH giữa KBT Sao La và KBTTN Phong Điền nhằm kết nối sinh cảnh, tăng cường chất lượng các hệ sinh thái trong hành lang ĐDSH; góp phần duy trì độ che phủ rừng (83%) tại khu vực hành lang ĐDSH. Bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự ĐDSH, nơi khu trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái; đảm bảo, góp phần duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu trong khu vực hành lang ĐDSH như: Sao La, Vọoc Chà Vá chân nâu, Vượn đen má trắng, Cu li nhỏ, Mang Trường Sơn, Thỏ vằn Trường Sơn, Gà lôi lam mào trắng, Trĩ Sao.

Việc kết nối hành lang ĐDSH giữa các KBT nhằm phát huy trách nhiệm cộng đồng, nhất là các chủ rừng trong bảo tồn ĐDSH, bảo vệ và phát triển rừng. Sử dụng và khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên và những tiềm năng của hệ sinh thái; cải thiện sinh kế cộng đồng để tăng thu nhập người dân thông qua các hoạt động lồng ghép triển khai các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo, dân tộc, nông nghiệp nông thôn.

Hành lang ĐDSH được quản lý theo vùng bảo vệ và vùng phát triển gắn với các chủ rừng, tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, quy chế quản lý rừng phòng hộ, chủ trương, pháp luật về quản lý rừng tự nhiên (đối với vùng bảo vệ); về đất đai, quy chế quản lý rừng sản xuất là rừng trồng (đối với vùng phát triển).

Trên cơ sở thành lập hành lang ĐDSH kết nối KBT Sao La và KBTTN Phong Điền, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ TN&MT (đầu mối là Tổng cục Môi trường) về quản lý, huy động nguồn lực cho hành lang ĐDSH; xây dựng cơ chế chính sách mới, lồng ghép với các chính sách hiện có để đầu tư, khuyến khích các thành phần tham gia quản lý hành lang ĐDSH. Thông qua các nguồn lực hỗ trợ và sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, công tác bảo tồn ĐDSH tại các địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Các chủ rừng, người dân địa phương có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, công ăn việc làm, cải thiện sinh kế địa phương. Thông qua việc thực hiện các hoạt động dự án với các tổ chức trong, ngoài nước, hiệu quả quản lý của các KBT và năng lực của cán bộ địa phương được nâng cao.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên