Nỗi lo...

Đợt rét kéo dài khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn ngay từ khi bắt đầu bước vào vụ đông xuân 2013-2014. Nước lụt trên nhiều cánh đồng chưa rút hết để kịp làm đất gieo cấy, thì các đợt rét làm nhiều diện tích mạ giống chậm phát triển khiến nguy cơ gieo cấy chậm thời vụ. “Các đợt lũ đi qua để lại phù sa trên đồng ruộng, người dân chưa hết mừng, nay lại gặp khó trong đấu úng do nhiều công trình đê bao, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng. Càng lo lắng khi các đợt rét đậm kéo dài khiến mạ giống chậm phát triển, một số diện tích gieo sạ cũng chậm nảy mầm”, ông Lê Kim Thành ở HTX Thủy Phù I (thị xã Hương Thủy) lo lắng.

Chăm sóc ruộng lúa vừa gieo sạ

Thêm một đợt không khí lạnh tăng cường tràn xuống miền Bắc và đang di chuyển vào các tỉnh miền Trung sẽ gây ra một đợt mưa rét kéo dài, đúng lúc bà con nông dân đang xuống vụ đại trà. Mạ giống sẽ chậm sinh trưởng do rét đậm rét hại khiến nguy cơ thiếu giống gieo cấy rất cao. Còn nhớ, rét hại đầu vụ đông xuân 2012-2013, một số địa phương thiếu mạ giống phải mua những nơi khác về gieo cấy, không những chất lượng thấp mà còn hao tốn chi phí (mỗi sào khoảng 70 ngàn đồng). “Vì rét mới chỉ xảy ra mấy năm gần đây nên bà con chưa có kinh nghiệm trong công tác ứng phó. Mỗi khi vào vụ, bà con sản xuất mạ giống, sau khi gieo sạ, gieo cấy lúa xong thì “phó thác cho trời”. Rét vẫn cứ diễn ra nhưng bà con không biết cách nào để chăm sóc...”, ông Trần Văn Quân ở Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 1 (huyện Quảng Điền) tâm sự. Không chỉ ông Quân, mà nhiều bà con nông dân cũng bày tỏ những trở ngại, lúng túng trong việc phòng chống rét cho lúa. Bà con chưa bao giờ được tiếp nhận những kiến thức phòng chống rét một cách bài bản. Trong điều kiện rét đậm rét hại kéo dài như hiện nay, bà con rất cần sự quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc lúa.

Khuyến cáo từ cơ quan chức năng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, đợt mưa rét đầu tháng 1/2014 kéo dài và diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây hại lúa đông xuân. Các biện pháp ứng phó của các cơ quan chức năng cần được triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ. Tại huyện A Lưới, ông Trần Phước Hùng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, mặc dù đã triển khai các biện pháp ứng phó từ đầu vụ, song các đợt rét vừa qua khiến 800/1.000 ha lúa đông xuân toàn huyện bị ảnh hưởng, chậm phát triển so với lịch thời vụ. Các loại giống có nguồn gốc từ Trung Quốc được gieo sạ đã hơn 15 ngày nhưng đến nay vẫn chưa nảy mầm, chủ yếu tập trung ở xã Sơn Thủy... Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương, hợp tác xã đang triển khai các biện pháp chăm sóc nhằm kích thích lúa phát triển. Thêm đợt rét nữa đang tràn về khiến ngành nông nghiệp, bà con nông dân càng lo lắng và gặp khó khăn trong chăm sóc lúa sinh trưởng.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư (TTKNLN) tỉnh - Hồ Đính cho biết, tinh thần của ngành nông nghiệp là triển khai các biện pháp sản xuất lúa đông xuân với quyết tâm không để ruộng hoang và ảnh hưởng đến năng suất. Mấy ngày qua, TTKNLN phối hợp với các địa phương, hợp tác xã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nông dân xuống đồng, tăng cường chăm sóc lúa đông xuân. Theo khuyến cáo, hướng dẫn của TTTKNLN, để hạn chế lúa chết rét, gây thiệt hại, bà con nông dân giữ nước thường xuyên trong đồng ruộng, không bón phân đạm, tăng cường bón phân lân, tro bếp trong điều kiện rét đậm rét hại. Các chân ruộng trũng cần tập trung tiêu nước nhằm hạn chế lúa chết và dòi đục nõn do ngập úng.

Với những diện tích lúa nếu xảy ra chết đại trà, cần kịp thời gieo sạ lại hoàn toàn, đồng thời tăng cường công tác chăm sóc, bón phân hợp lý, theo dõi và xử lý sâu bệnh trong quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa; lúa chết cục bộ và ngập úng cần tiến hành tỉa dặm, tăng cường chăm sóc nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Những diện tích chết khoảng 70% cần sử dụng nguồn mạ giống tại chỗ để gieo cấy dặm... Các đơn vị cung ứng giống đã dự trữ một lượng lúa giống cần thiết theo chỉ đạo của tỉnh để hỗ trợ cho bà con nông dân gieo cấy dặm khi có thiệt hại do mưa rét. Ông Hồ Đính cho biết, TTKNLN cũng đã có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các địa phương, ban ngành chuẩn bị các biện pháp chăm sóc lúa đông xuân sau rét, kích thích lúa phục hồi, sinh trưởng tốt nhằm đảm bảo năng suất đạt 57 tạ/ha, tổng sản lượng trên 150 ngàn tấn theo kế hoạch.

Bài, ảnh: Hoàng Thế