"Chẩn" đúng bệnh

Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII nhận định: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp...”. Hệ lụy đáng lo ngại do cách thức tổ chức, vận hành quan liêu và không hiệu quả của các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nói riêng, trong cả hệ thống chính trị nói chung đã tạo ra những “khoảng trống” về quyền lực và trách nhiệm.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức bách, nhưng điều cần lưu ý là cần đánh giá mức độ phù hợp của thiết kế mô hình hiện tại với trạng thái và xu thế vận động khách quan của kinh tế - xã hội. Đánh giá đúng được các mặt phù hợp và không còn phù hợp của bộ máy cũng chính là tìm được kết cấu hợp lý và điều kiện vận hành có hiệu quả của hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó mà loại bỏ những cơ cấu, điều kiện vận hành không có hiệu quả trong quá trình xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm mở rộng dân chủ trong xã hội. Đây cũng là cách phát hiện và khắc phục những bất cập, chồng chéo về mặt tổ chức và điều hành trong hệ thống chính trị.

Cơ cấu của mỗi tổ chức phải được xây dựng một cách hợp lý, trong đó mỗi thành viên phải hiểu rõ những phần việc của mình. Bất cứ nhiệm vụ gì cũng phải có người chịu trách nhiệm về nó nhưng cũng cần rà soát và xoá bỏ những bộ phận thừa hoặc trùng lặp để bộ máy hoạt động có hiệu quả, tránh lãng phí sức người, sức của do sự chồng chéo, chậm chễ...

Mặt khác cũng cần phải nhận thức rõ rằng: Không có một mô hình tổ chức nào là vạn năng, có thể áp dụng cho nhiều trường hợp. Việc phân tích khách quan các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tâm lý, tập quán... sẽ tạo cơ sở tìm ra cơ cấu tổ chức phù hợp cho tổ chức trong điều kiện cụ thể, khắc phục sự bảo thủ trì trệ của tổ chức. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần phải tiến hành cả việc giảm đầu mối và giảm (đến mức thấp nhất) số người hưởng lương từ ngân sách. Nếu chỉ hô hào cải cách và giảm biên chế chung chung thì việc tinh giản biên chế sẽ khó có thể đạt mục tiêu.

Thực hiện quyết liệt và gắn trách nhiệm người đứng đầu

Chúng ta có rất nhiều việc cần làm khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.

Để đạt mục tiêu đó cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục những khuyết điểm về mặt tổ chức đang tồn tại. Những khuyết điểm đó có nguyên nhân chủ quan được Đảng nhận định là: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thiếu kiên quyết, đồng bộ; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến. Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở các cấp chưa có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt”. Để khắc phục tình trạng này, Đảng chỉ ra các biện pháp: “Rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp”.

Để Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đi vào cuộc sống cần hành động thật sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và phải gắn trách nhiệm với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức với hiệu quả thực hiện chủ trương của Ðảng. Đồng thời với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cần gắn kết chặt chẽ việc kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân.

TS. Ngô Vương Anh