Nông dân trồng lúa trên một cánh đồng ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh gạo là nguyên liệu chính của ít nhất 1/2 tổng dân số 7 tỷ người trên toàn cầu, cách thức mà những cánh đồng trồng lúa được quản lý có tác động đáng kể đến khí hậu đang ấm lên của Trái Đất, theo báo cáo được đăng trên Kỷ yếu của Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ.

Nghiên cứu này cho thấy, các nhà nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ Môi trường phi lợi nhuận (EDF) đã xem xét kỹ hơn lượng phát thải của khí đinitơ monoxit (nitrous oxide, hay N2O), một chất gây ô nhiễm không khí lâu dài, mạnh hơn mêtan (methane, hay CH4), cacbon điôxít (carbon dioxide, hay C02).

Theo đó, N2O được phát ra khi cánh đồng lúa được phơi khô trước khi bị ướt trở lại.

"Khi đất thường xuyên bị ướt và khô, chúng liên tục trở thành môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn sản xuất N2O", tác giả chính Kritee Kritee, nhà khoa học cao cấp tại EDF giải thích.

Hiện nay, lượng phát thải chưa tính đến N2O toàn cầu từ gạo có thể cao bằng mức ô nhiễm khí hậu hàng năm từ khoảng 200 nhà máy điện than, các tác giả của nghiên cứu lưu ý.

Chỉ riêng ở Ấn Độ, nơi nghiên cứu được thực hiện trên 5 cánh đồng lúa bị ngập không liên tục, lượng khí thải N2O "có thể cao hơn 30-45 lần so với những cánh đồng ngập liên tục", các nhà nghiên cứu ước tính.

Nhìn chung, họ tính toán rằng, N2O trên mỗi hecta cao gấp 3 lần so với nghiên cứu trên các trang trại bị ngập lụt không liên tục trước đó.

Bà Kritee cũng nhấn mạnh, khi thông tin mới này được áp dụng để ước tính lượng khí thải N2O trên toàn thế giới và được cộng vào ước tính lượng khí thải CH4, tác động khí hậu thuần từ cả khí CH4 và N2O có thể cao gấp 2 lần so với các ước tính trước đó.

Các chuyên gia cho rằng, một cách tốt hơn là để cho mực nước ngập trên các cánh đồng lúa nằm trong phạm vi từ 5-7 cm so với mặt đất.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)