Thống nhất phương án
Mùa tuyển sinh 2018, một số ngành ở Đại học (ĐH) Huế thu hút chưa tới 10 thí sinh. Điển hình như ngành địa chất học, khoa học môi trường, kỹ thuật địa chất, sinh học, toán ứng dụng, vật lý, lịch sử (Trường ĐH Khoa học); lâm nghiệp đô thị, công nghệ chế biến lâm sản (Trường ĐH Nông lâm); một số ngành tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.
Thiếu người học, một số ngành tại Trường ĐH Nông lâm phải chuyển đổi ngành học cho thí sinh
Vấn đề trên nảy sinh nhiều khó khăn. Theo nguyên tắc, tuyển sinh thì phải giảng dạy, song với lượng thí sinh quá ít, sẽ tạo ra nhiều bất cập. Một cán bộ Phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Khoa học chia sẻ, khó nhất là tổ chức đào tạo. Trung bình từ 10 sinh viên trở lên, công tác tổ chức lớp học sẽ dễ hơn. Trái lại, khi lớp học chỉ có một vài thí sinh, nguy cơ có những buổi học trò vắng đột xuất khiến thầy phải ngồi đợi là điều dễ xảy ra. “Khi tổ chức giảng dạy, việc xây dựng chương trình và nhiều vấn đề khác được triển khai kỹ, song thông thường, hằng năm vẫn có tình trạng sinh viên bỏ học để thi lại ngành học khác hoặc vì các nguyên nhân khác. Điều này cũng dẫn đến nhiều khó khăn và bất cập”, đại diện Phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Khoa học phân tích.
Trước tình trạng trên, một số đơn vị đã gặp mặt thí sinh để trao đổi, thống nhất phương án chuyển đổi nguyện vọng, ngành học. PGS. TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, cho biết: “Hoạt động này được trường tổ chức sớm, trước khi các tân sinh viên bước vào năm học. Phương án chuyển đổi ngành đảm bảo đúng tổ hợp môn và các yếu tố đầu vào giữa các ngành là giống nhau. Điều quan trọng nhất là không bắt ép sinh viên mà dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của thí sinh đăng ký. Riêng có 1 trường hợp chuyển về Khoa Du lịch thuộc ĐH Huế và 1 trường hợp chuyển vào học tại Đà Nẵng do thí sinh chỉ yêu thích ngành đã đăng ký, nhà trường vẫn giải quyết và hỗ trợ tốt cho thí sinh”, ông Tùng nói.
Trần Phong Toàn, sinh viên ngành khoa học môi trường được chuyển sang ngành quản lý tài nguyên và môi trường, chia sẻ: “Nhà trường phân tích tình hình tuyển sinh, các ngành học sau đó các sinh viên chủ động đăng ký. Ngành học ban đầu đăng ký chắc chắn được yêu thích hơn, nhưng khi chuyển đổi, em và các bạn cũng chấp nhận”. Trong khi đó, theo một thí sinh tại Trường ĐH Sư phạm, ngành sư phạm tin học chỉ có 1 người học, nhà trường tư vấn để em chọn ngành học khác nhưng em đã xin rút hồ sơ để chuyển về học tại Đắk Lắk. “Việc này em tự nguyện, trường không ép”, Mily, thí sinh kể trên khẳng định.
Thực ra, vẫn có một số ngành duy trì việc giảng dạy phù hợp điều kiện từng đơn vị, điển hình như Trường ĐH Nghệ thuật (do tính chất đặc thù) hay Trường ĐH Kinh tế và một số ngành ở các đơn vị khác. Đại diện Phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Kinh tế cho biết, chủ yếu các ngành chất lượng cao có ít thí sinh. Về cơ bản, năm học đầu tiên, các sinh viên đăng ký học chung các học phần đại cương với các sinh viên khác. Khi vào học chuyên ngành, nhà trường tổ chức đào tạo bình thường.
Cân đối giờ giảng
Việc thiếu người học và chuyển đổi ngành học cho thí sinh đặt ra bài toán nguy cơ thiếu giờ giảng của giảng viên, nhất là đối với những ngành đã “mất” người học. Tuy nhiên, theo đại diện các trường, sẽ có giải pháp cân đối giờ giảng. PGS. TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho biết, nhà trường tuyển sinh theo nhóm ngành (lâm nghiệp, nông nghiệp…) nên việc điều tiết, phân phối giờ giảng cho các giảng viên khá thuận lợi.
Tại Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, phương án giải quyết là cân đối giờ giảng giữa giảng viên lâu năm, có học hàm, học vị cao và giảng viên trẻ trong việc phân chia giảng dạy ĐH và sau ĐH. PGS. TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Năm nay, tuyển sinh sau ĐH rất thành công, có thể bù lại cho tuyển sinh ĐH. Có đến 400 học viên sau ĐH, tăng gấp đôi so với mọi năm. Trong đó có những khoa như vật lý (ít tân sinh viên ĐH) nhưng có khoảng 60 học viên sau ĐH. Nhà trường và các khoa sẽ nghiên cứu, phân bố để các giảng viên có học hàm, học vị dạy sau ĐH và các giảng viên trẻ dạy các lớp ĐH, vì thế cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều trong năm nay”.
Về lâu dài, các trường sẽ nghiên cứu, giảm chỉ tiêu tuyển sinh những ngành khó tuyển. Theo đại diện lãnh đạo các trường, cơ sở phân bố chỉ tiêu lâu nay dựa vào số lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhưng mùa tuyển sinh năm sau phải tính toán lại. Đối với các ngành khoa học cơ bản, Trường ĐH Khoa học dự kiến sẽ xây dựng đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, có cơ chế đặt hàng cho những ngành đặc thù.
Bài, ảnh: Hữu Phúc