Ông cũng nhấn mạnh việc từ bỏ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, được 196 nước và vùng lãnh thổ tham gia nhằm giảm lượng khí phát thải, sẽ gây tổn hại tới quan hệ giữa Australia và các nước trong khu vực Thái Bình Dương, vốn đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng.
Theo dự kiến, hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu tổ chức vào tháng 12/2018 tại Ba Lan sẽ đi đến việc thống nhất bộ quy tắc nhằm thực thi Thỏa thuận Paris về chống Biến đổi khí hậu năm 2015. Sau gần 3 năm, tiến trình đàm phán để thực thi thỏa thuận này không đạt được nhiều kết quả như mong đợi.
Australia là một trong những nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới tính theo đầu người. Ảnh: BBC |
Tại vòng đàm phán cuối cùng tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 9/9, trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu dự kiến tổ chức vào tháng 12/2018, một số quốc gia đang phát triển cáo buộc những nước lớn hơn không thực hiện đúng cam kết trợ cấp tài chính và lảng tránh việc cung cấp thông tin về nguồn tài chính trong tương lai.
Theo thỏa thuận Paris, gần 200 quốc gia cam kết giữ mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất ở khoảng dưới 2 độ C, nhắm đến mục tiêu 1,5 độ C. Hiệp ước này cho phép các quốc gia đưa ra cam kết hành động dựa trên tình hình cụ thể ở mỗi nước. Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu các quốc gia phát triển phải huy động được 100 tỷ USD từ năm 2020 - 2025 để giúp những nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế thân thiện với môi trường.
Theo VOV