Thời điểm này, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) xã Quảng Lợi đã triển khai phương án phòng chống mới, giao nhiệm vụ cho từng địa phương, tổ chức để ứng phó với mùa lụt bão năm 2018.

Người dân xã Quảng Lợi gia cố đê trước mùa mưa bão

Theo đó, người dân ở các vùng thấp trũng như Cư Lạc, Ngư Mỹ Thạnh, Sơn Công, Hà Công, xóm Cồn Đá… đã có phương án sơ tán, di dời khi xảy ra bão lũ; 15 đò máy phục vụ cho việc cứu hộ cứu nạn cũng được chuẩn bị để kịp thời sơ tán người dân. Chính quyền xã Quảng Lợi đã hợp đồng mua lương thực, thực phẩm, dầu dự trữ trong mùa mưa bão; tiến hành kiểm tra, kiện toàn các đội thanh niên xung kích cứu hộ, cứu nạn của các HTX, các cơ quan đơn vị và các thôn trong mùa mưa bão. Các HTX nông nghiệp thành lập đội xung kích để ứng cứu các hồ đập chứa nước trong mùa mưa bão, mỗi HTX từ  10 - 15 người.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: Chúng tôi đã lập và triển khai thực hiện cụ thể, chu đáo kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ xã đến thôn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã và mỗi gia đình với ý thức không được chủ quan. Đồng thời chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ”; phân công các thành viên ban chỉ đạo phụ trách địa bàn trong mùa mưa lũ.

Từ kinh nghiệm các năm trước, trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền xã Quảng Lợi xây dựng phương án phòng chống chi tiết để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Các tổ được phân công phụ trách địa bàn có trách nhiệm kết hợp với thôn trưởng, công an viên tiến hành điều tra, khảo sát nắm chắc số hộ, số khẩu ở các thôn trên địa bàn xã. Đặc biệt chú ý các thôn xung yếu như: Sơn Công, Hà Công, Cư Lạc, Ngư Mỹ Thạnh, xóm Cồn Đá và Cồn Đường và nắm chắc số nhà kiên cố có thể chống bão; tổ chức họp dân triển khai cụ thể kế hoạch phòng chống thiên tai của xã, đảm bảo 100% người dân trên địa bàn nắm chắc kế hoạch của xã, của thôn.

Các tổ được phân công phụ trách địa bàn kết hợp với đội thanh niên xung kích của các thôn, HTX, UBND xã, trường học có nhiệm vụ giúp đỡ Nhân dân khi lụt bão xảy ra; có kế hoạch đưa người dân ở những vùng thấp lên vùng cao khi có lũ lụt; trong đó chú ý các đối tượng già cả, trẻ em, phụ nữ có thai, gia đình chính sách...

“Các thôn phải thành lập các tổ tự quản từ 10-15 người, có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho Nhân dân trong khi di dời phòng chống bão lụt; vận động Nhân dân tự quản tại chỗ, cứ 10 - 15 nhà thành lập 1 tổ tự quản để giúp đỡ nhau trong công tác di dời, bảo vệ tài sản chung”, ông Bảo chia sẻ.

Người dân Quảng Lợi cũng chủ động phương án trong từng hộ gia đình để ứng phó với mọi tình huống của lũ, lụt. Đến nay, tại xã Quảng Lợi đã xây dựng hơn 30 nhà chống lũ theo Quyết định 48 của Chính phủ. Đối với vùng thường xuyên bị ngập lụt, người dân xây nhà có gác lửng, gian chống lụt, hay làm chạn bằng tre hoặc ván gỗ để có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt dài ngày đối phó trong lũ, lụt cao điểm. Người dân còn tận dụng các phương tiện hiện có để phòng chống lụt như cây chuối kết thành bè. Nước lụt dâng đẩy bè chuối lên cao là nơi để vật nuôi.

Ông Đào Tốn, thôn Ngư Mỹ Thạnh chia sẻ: “Ngoài nắm bắt thông tin, trước mùa mưa bão, chứng tôi dự trữ lương thực, tập kết thuyền bè vào khu vực tránh trú an toàn, đặc biệt chú ý đến an toàn tính mạng của người thân trong gia đình”.

Bài, ảnh: L.Thọ