Ảnh minh hoạ. Nguồn: AFP
Theo Báo cáo Sức khỏe châu Âu do WHO thực hiện, bao gồm 53 quốc gia trong một khu vực địa lý rộng lớn từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, tuổi thọ trung bình từ khi sinh tăng từ 76,7 năm trong năm 2010 lên 77,8 năm vào năm 2015. Trong đó, nữ giới tiếp tục có tuổi thọ cao hơn nam giới, ở mức 81,1 năm so với 74,6 năm ở nam giới, mặc dù khoảng cách này đã được thu hẹp đôi chút.
Ngoài ra, tuổi thọ còn có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Nam giới sống nhiều hơn gần 16 năm ở Iceland (81,4 năm), so với ở Kazakhstan (65,7 năm).
"Sự gia tăng về tuổi thọ là không đồng đều, cả trong và giữa các quốc gia, giữa các giới tính và giữa các thế hệ", bà Zsuzsanna Jakab, Giám đốc WHO khu vực châu Âu cho biết.
Tuy nhiên, bà Zsuzsanna Jakab cảnh báo: "Các yếu tố rủi ro liên quan đến lối sống đang gây ra mối quan ngại, bởi chúng có thể làm chậm lại, hoặc thậm chí đảo ngược những cải thiện to lớn về tuổi thọ, nếu không được kiểm soát".
Tỷ lệ thừa cân, béo phì cao
"Thừa cân và béo phì đang có xu hướng tăng lên ở hầu hết các quốc gia thành viên", báo cáo nói trên khẳng định. Trong năm 2016, 23,3% người dân trong khu vực bị béo phì, tăng 2,5 điểm phần trăm trong 6 năm, và 58,7% bị thừa cân, tăng 2,8 điểm phần trăm.
Xu hướng này đặc biệt được chú ý ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có gần 4 trên 10 nữ giới, tương đương 39,2% bị béo phì. Hai quốc gia khác cũng ghi nhận vấn đề đặc biệt là Malta, nơi 29,8% dân số bị béo phì, và Anh, nơi con số này ở mức 27,8%.
Báo cáo cũng lưu ý, châu Âu ghi nhận một trong những tỷ lệ hút thuốc lá và tiêu thụ đồ uống có cồn cao nhất trên thế giới.
Cụ thể, khoảng 29% người dân trên 15 tuổi hút thuốc lá, so với 16,9% ở khu vực châu Mỹ và 24,8% ở khu vực Đông Nam Á. Số người hút thuốc lá tăng lên 43,4% ở Hy Lạp, 39,5% ở Nga và 28,1% ở Pháp, theo số liệu của WHO từ năm 2013. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá hàng ngày trên tất cả các quốc gia đã giảm, từ 28,1% trong năm 2002 xuống còn 24,4% trong năm 2014.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn giảm từ mức cao của những năm 1990 và 2000, nhưng ở mức 8,6 lít/người trong năm 2014, người châu Âu vẫn uống rượu nhiều hơn các khu vực khác. "Trong khi việc sử dụng đồ uống có cồn nhìn chung đang giảm dần, tiêu thụ đồ uống có cồn ở người lớn vẫn ở mức cao nhất trên thế giới", báo cáo nói thêm.
Trong số các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2014, Lithuania có mức tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình cao nhất, ở mức 15,2 lít/người, tiếp theo là Cộng hòa Séc (12,7 lít/người) và Bỉ (12,6 lít/người).
Tử vong do ung thư giảm
Số ca tử vong sớm do ung thư, tiểu đường, bệnh hô hấp và tim mạch đang giảm, và khu vực này đang trên đà đạt mục tiêu giảm 1,5% hàng năm đến năm 2020. Những ca tử vong do các nguyên nhân nói trên đã giảm 9% trong giai đoạn 2010-2015, xuống còn 715 ca tử vong/100.000 dân.
Điều này được ghi nhận mặc dù ở EU, các trường hợp chẩn đoán ung thư mới tăng 5% trong giai đoạn 2010-2014, lên 569 trường hợp/100.000 dân.
Trong khi đó, tổng chi tiêu y tế trung bình trên toàn khu vực vẫn "hầu như không thay đổi", ở mức 8,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2014, so với năm 2010. Trong năm 2014, chi tiêu hộ gia đình tư nhân chiếm 16,7% tổng chi tiêu y tế trong EU, so với mức 45,8% ở Nga và 9,7% ở Anh.
Báo cáo cũng ghi nhận sự gia tăng ở các quốc gia thực hiện các chiến lược nhằm giảm sự bất bình đẳng, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bao phủ chủng ngừa. Tuy nhiên, WHO cảnh báo có nhiều việc phải làm để chủng ngừa bệnh sởi ở một số quốc gia, bao gồm Ukraine và Montenegro.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)