Những "bông hoa" ghi lại lời dạy của Bác trên dọc con đường dẫn vào di tích

Giữa những ngày mùa Thu lịch sử này, chợt nhớ lần cách đây chưa lâu được về thăm chiếc nôi cách mạng Tân Trào. Một trong những di tích đã để lại ấn tượng mạnh trong tôi ấy là lán Nà Nưa. Tọa lạc ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, lán Nà Nưa được xem là di tích quan trọng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Qua một chiếc cầu nhỏ vượt suối, tiếp đến là một đoạn đường bê tông thoáng rộng rợp mát bóng cây, ta sẽ đặt chân lên những bậc cấp đầu tiên dẫn đến lán Nà Nưa. Theo giới thiệu, lán được dựng kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, dưới tán rừng ở chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng yêu cầu của Bác đề ra là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng Tháng Tám đã được Bác soạn thảo nơi căn lán đơn sơ này. Cũng tại lán Nà Nưa, trong lúc đang ốm nặng, tình thế cách mạng lại hết sức khẩn trương, Bác đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp câu nói nổi tiếng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.

Lời Bác dạy vẫn vọng vang tính thời sự

Lán Nà Nưa trở thành "chứng nhân" của những sự kiện lịch sử mang tính quyết định: Ngày 4/6/1945, Bác Hồ đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội... Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng, Cách mạng tháng Tám đã bừng lên và nhanh chóng lan ra toàn quốc, đập tan quân phát xít cùng chế độ thực dân phong kiến. Ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời lán Nà Nưa về Hà Nội, để rồi ngày 2/9/1945 giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào, với toàn thể thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy." Một nước Việt Nam mới- Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời!

Lán Nà Nưa nay là điểm hành hương về nguồn của dân tộc

Nà Nưa bây giờ là điểm tham quan, là nơi hành hương về nguồn thiêng liêng của toàn dân tộc. Cảnh sắc hữu tình, núi rừng tuyệt đẹp. Một trong những chi tiết ở cụm di tích này khiến tôi có ấn tượng rất mạnh, đó là dọc con đường dẫn vào di tích, ta có thể đọc được những lời dạy, những câu nói của Bác được ghi trên những bông hoa cách điệu 2 màu vàng đỏ. Ngắn gọn thôi, nhưng ý vị, thâm sâu, lại dễ hiểu, dễ thấm. Xin đơn cử một vài câu trong số đó: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"; "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu"; "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần-Kiệm-Liêm- Chính thì dễ trở thành hủ bại, biến thành sâu mọt của dân."... Dẫu đã nửa thế kỷ kể từ ngày Bác đi xa, nhưng những lời dạy của Người vẫn vọng vang tính thời sự và mang ý nghĩa vĩnh hằng.

Tiếc là những câu nói của Hồ Chủ tịch ở cụm di tích Nà Nưa đang được thể hiện trên chất liệu tôn và sơn kẻ. Tính thẩm mĩ không cao, thiếu ăn nhập với khung cảnh di tích và chưa tương xứng với sức nặng của những lời di huấn mà nó mang trên mình. Giá như những cụm tôn và sơn kẻ kia được thay bằng những phiến đá, trên đó lời dạy của Người được chạm khắc một cách nghệ thuật thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Động thái ấy không chỉ có ý nghĩa tôn vinh, mà còn làm tăng thêm đáng kể giá trị cảnh quan cho khu di tích. Về kinh phí, chúng tôi thiển nghĩ cũng không phải quá lo lắng. Nếu có chủ trương xã hội hóa, tin rằng, sẽ không thiếu địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... xin đăng ký để được cung tiến một phiến đá như vậy, như một cách bày tỏ lòng tri ân của mình đối với Bác, với các thế hệ cách mạng tiền bối đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Bài, ảnh: Huy Khánh